Nhân viên y tế trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai tuyên truyền cho học sinh phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: KIM LOAN

Thông tư số 19, Thông tư số 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15/2/2023. Tuy nhiên, đội ngũ được tuyển sau ngày 15/2/2023 phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.

Sau khi hai thông tư trên được ban hành, nhiều nhân viên y tế tại các trường học, nhất là những người đã trúng tuyển viên chức bày tỏ tâm tư khi vị trí việc làm của mình được xếp vào danh mục “hỗ trợ, phục vụ” và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động mà không phải là viên chức giáo dục hoặc viên chức y tế. Trong khi, không ít người có bằng cấp chuyên môn đầy đủ, có người là y sĩ, có bằng đại học, cao đẳng nhưng xếp vào nhóm cùng với bảo vệ, tạp vụ… khiến họ thiệt thòi.

Tháng 12/2023, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh đối với vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục để bảo đảm chế độ, chính sách và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ, học sinh trường học. Đề nghị này đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và nhân viên y tế được xếp chung với các vị trí thư viện, kế toán, văn thư... cũng như được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định.

Sự điều chỉnh vị trí y tế học đường thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT trong việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Đây là lần đầu tiên quy định tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở phải có vị trí tư vấn học sinh, là một vị trí nhân viên toàn thời gian nhằm cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ. Nhân viên tư vấn học đường cũng sẽ đóng vai trò là đầu mối cho các dịch vụ công tác xã hội và bảo vệ trẻ em trong trường học.

Tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra gây bức xúc trong dư luận. Áp lực thi cử, học hành khiến các em không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Các em sớm tiếp cận với môi trường mạng, cũng là nguyên nhân sâu xa khiến sức khỏe tâm thần của học sinh bị ảnh hưởng. Nhiều học sinh đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Trong khi, các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, sự hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình. Nghiên cứu mới còn cho thấy, 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Hơn lúc nào hết, nhân viên y tế trường học vất vả và áp lực. Họ phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như thu và lập hồ sơ bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng chống bệnh học đường, xâm hại tình dục trẻ em, tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng, chống bạo lực học đường. Tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, nhân viên y tế trường học còn phải đến sớm để tiếp nhận thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành y tế...

Vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học cần được quan tâm đúng mức. Bởi lẽ, một khi đã yên tâm với công việc, với chế độ đãi ngộ, họ sẽ chuyên tâm để phát hiện và hỗ trợ kịp thời các em, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, thông minh và tự tin với tương lai.

HUẾ THU