UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu tặng quà, động viên người dân vùng dân tộc thiểu số huyện A Lưới |
Bám cơ sở làm dân vận
Công tác DV của Đảng trong tỉnh được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, đây là thời điểm tăng tốc để đạt được mục tiêu cao nhất, đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phó trưởng Ban DV Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Để đạt mục tiêu này, liên tục thời gian qua, Ban DV Tỉnh ủy đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương; tiếp tục khảo sát, xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình “DV khéo” ở cơ sở.
Qua khảo sát, chỗ nào, địa phương nào còn những vướng mắc, khó khăn thì phải tăng cường công tác DV nhiều hơn; trong đó, xây dựng bằng được các mô hình “DV khéo”.
Mới đây, Đoàn khảo sát của Ban DV Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức khảo sát việc triển khai thực hiện xây dựng các mô hình “DV khéo” tại huyện Nam Đông và A Lưới.
Những tháng đầu năm 2024, phong trào thi đua “DV khéo” đã được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm và tập trung lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về công tác DV và phong trào thi đua “DV khéo” ngày càng được nâng cao. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai các mô hình “DV khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới thiết thực, sát với tình hình cơ sở.
Mục tiêu mà công tác DV của Đảng trong toàn tỉnh đặt ra là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “DV khéo” theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.
Muốn vậy, cùng với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, Ban DV Huyện ủy Nam Đông và A Lưới tích cực hơn nữa phối hợp, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng mới các mô hình sinh kế, mô hình “DV khéo” trên các lĩnh vực; trong đó, tập trung nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc xây dựng các mô hình sinh kế, mô hình “DV khéo” cần chủ động xây dựng ngay từ đầu năm, có lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai thực hiện. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Ban DV Huyện ủy Nam Đông và A Lưới phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá đúng, sát với thực tiễn đề ra.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lê Xuân Hải cho biết, năm 2024, Ban DV Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng 4 mô hình “DV khéo”; xây dựng 12 mô hình người đồng bào dân tộc thiểu số là tấm gương tiêu biểu; 5 mô hình người đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi; tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả dự án “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường”.
Phát huy sức mạnh của sự đồng thuận
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.104 tổ DV cơ sở với tổng số 8.541 thành viên. Mỗi tổ DV có từ 7 đến 10 thành viên. Nhiệm vụ của các tổ DV cơ sở là, tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, thực hiện NQ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và các NQ chuyên đề của Tỉnh ủy, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Lại Thế 1, phường Phú Thượng (TP. Huế) Nguyễn Thạnh trao đổi, làm công tác DV là để dân đồng thuận, cùng chung tay, góp sức xây dựng nơi mình sinh sống, làm việc ngày càng phát triển hơn. Muốn vậy, mọi vấn đề, chủ trương đều gắn liền lợi ích, trách nhiệm của người dân thì họ sẽ đồng thuận, nhất trí cao.
Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, giảm tỷ lệ hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” là những vấn đề cấp thiết hiện nay đối với các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Ngoài tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân thì, việc xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình “DV khéo” là một trong những giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn tại, tăng thêm động lực cho sự phát triển của tỉnh.
UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban DV Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nguyễn Chí Tài cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký 2.226 mô hình “DV khéo” trên các lĩnh vực. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác DV năm 2024, ban DV các cấp cần phát huy tính chủ động trong công tác tham mưu; nắm chắc tình hình Nhân dân, tình hình cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua “DV khéo”; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.