Báo giấy ngày càng sụt giảm nguồn thu do xu hướng đọc báo đã thay đổi |
Khó khăn chồng lên khó khăn
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết, hiện nay, đa số các cơ quan báo chí đều đối mặt với thực tế là "khó khăn chồng lên khó khăn" từ việc sụt giảm nguồn thu. Việc sụt giảm nguồn thu khiến các cơ quan báo chí phải thay đổi mình, tùy mỗi cơ quan báo chí sẽ phải có giải pháp của riêng mình và không có câu chuyện chung nào cũng như giải pháp chung nào cho tất cả các cơ quan báo chí hiện nay. Mỗi cách làm, mỗi suy nghĩ của từng tòa soạn khi áp dụng vào thực tế cần linh hoạt, uyển chuyển để tạo hiệu quả cao nhất.
Tương tự, ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, đối với các cơ quan báo chí, nguồn thu từ quảng cáo và phát hành chiếm tới 75% trên tổng doanh thu, nhưng hiện nay ở nhiều đơn vị nguồn thu này đã sụt giảm như "đà không phanh". Việc sụt giảm khiến các tòa soạn báo phải tìm hướng đi mới cho mình nếu muốn tồn tại, phát triển lâu dài.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, hiện có 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí là quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết và quảng cáo điện tử. Tuy nhiên, nguồn thu của báo chí Việt Nam vẫn từ doanh thu phát hành báo in và quảng cáo. "Cả hai nguồn thu này đều đang có xu hướng giảm. Thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020", ông Nguyễn Quang Đồng cho biết.
Theo các cơ quan quản lý báo chí, hiện nay, việc đa dạng nguồn thu của các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn, một phần do tác động từ sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, các nền tảng công nghệ số và xu hướng đọc của độc giả đã thay đổi… Một số cơ quan báo chí đã chuyển hướng sang thu phí độc giả, tiêu biểu là Báo Người Lao Động với gói đăng ký dành cho bạn đọc VIP; tuy nhiên, việc thu phí độc giả cũng gặp khó khi hầu hết độc giả chỉ trả tiền để đọc một tờ báo trực tuyến; nhận thức về tầm quan trọng của dữ liệu độc giả còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng dữ liệu để hiểu và phục vụ nhu cầu độc giả chưa phổ biến.
Cần thay đổi cách hoạt động
Theo ông Tô Đình Tuân, để vượt qua khó khăn từ sụt giảm kinh tế báo chí, Báo Người Lao Động xác định những tiêu chí hoạt động là "Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn" . Từ mục tiêu này, đơn vị đã tổ chức các chương trình nhân văn như: Chương trình ATM thực phẩm miễn phí, Tình thương cho em; tổ chức các diễn đàn, hội thảo gắn với các vấn đề nóng của đời sống kinh tế, xã hội... Mặt khác, đơn vị còn triển khai thu phí bạn đọc qua chuyên mục "Dành cho bạn đọc VIP". Sau một thời gian chuyển hướng và đổi mới, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động tìm đến và hợp tác với Báo, từ đó nguồn thu cũng tăng hơn trước.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Toàn cũng cho biết, để ứng phó với các khó khăn, sụt giảm doanh thu, đơn vị tập trung vào nhóm giải pháp như: đầu tư vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo và đa dạng hóa nguồn thu. Từ đó, đơn vị cũng chia khách hàng làm 3 nhóm: bạn đọc hàng ngày, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Trong đó, ở nhóm bạn đọc hàng ngày, đơn vị chăm sóc, quan tâm, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua báo điện tử. Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, đơn vị chọn giải pháp đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng cáo, giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình tiếp cận đúng với các nhóm khách hàng mà họ mong muốn. Cuối cùng, với nhóm khách hàng là cơ quan quản lý nhà nước, Báo Tuổi Trẻ cố gắng chuyển tải thông tin về các chủ trương, quy định, chính sách để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn.
Để phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất: "Trước tiên, chúng ta cần miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tiếp tục tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội. Về lâu dài, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò "cầu nối" của Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội; tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực...".
"Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả các cơ quan báo chí mà chỉ đến với những bộ óc đã được chuẩn bị, những cơ quan báo chí đã sẵn sàng thay đổi và đã tự tìm những lối ra cho chính mình. Ngoài ra, các cơ quan báo cần đẩy mạnh đa dạng hóa nội dung, hình thức để tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội ngày nay nhiều hơn. Trong đó, các cơ quan báo chí cần tập trung giải pháp đa dạng các kênh tiếp cận độc giả, bởi có độc giả mới có nguồn thu. Nếu báo chí không hiện diện tốt trên mạng xã hội sẽ không tạo đột phá, sự cạnh tranh về mặt nguồn thu...", ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất.