Trong vài tháng tới, 11,7 triệu sinh viên ở Trung Quốc sẽ tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động. Ảnh: Xinhua/Vietnamnet |
Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, thị trường việc làm đã có khởi đầu tốt trong năm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data). Từ tháng 1/2024 đến nay, khoảng 32.000 hội chợ việc làm đã được tổ chức - tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà tổ chức cho biết nhiều sự kiện tương tự đang được tiến hành để kết nối nhà tuyển dụng với người tìm việc.
Được biết trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ đón con số kỷ lục 11,7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học.
Trước “làn sóng” này, bà Wang Xiaoping - Bộ trưởng Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường các chính sách nhằm cải thiện việc làm cho thanh niên và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
“Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, thiết lập các trạm dịch vụ việc làm lân cận và cung cấp các dịch vụ việc làm hiệu quả, thuận tiện và có mục tiêu cho các doanh nghiệp và người lao động”, bà cho hay.
Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên
Trong một báo cáo công mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường kêu gọi một cách tiếp cận đa hướng để ổn định thị trường việc làm, sau khi tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2023 được ghi nhận ở mức 5,2%.
Đáng chú ý là tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Vào tháng 12 năm ngoái, số liệu chính thức cho thấy 14,9% những người trong độ tuổi từ 16 - 24 tuổi ở nước này không có việc làm.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức mở rộng khoảng 5%. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm nay và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức khoảng 5,5%.
Với các mục tiêu đó, các nhà chức trách đang chịu áp lực phải tạo thêm việc làm, nhưng những người tìm việc lại lo lắng về cơ hội việc làm ngày càng thu hẹp trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ.
Một sinh viên sắp tốt nghiệp chia sẻ: “Có thể có rất nhiều vị trí việc làm trên thị trường, nhưng thường có nhiều người nộp đơn hơn số vị trí cần tuyển… Với dân số đông ở Trung Quốc, nhiều người phải cạnh tranh cho cùng một công việc, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt”.
Những cơn gió ngược kinh tế
Theo các nhà phân tích, những người tìm việc sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược kinh tế trong và ngoài nước. Trong nước, nhiều lĩnh vực vẫn đang chịu áp lực từ sự suy giảm mạnh của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Một số người đổ lỗi cho tình trạng dư cung sinh viên tốt nghiệp đại học là nguyên nhân gây ra những tách thức cho thị trường lao động. Năm 2022, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm đã lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu người
Một số nhà quan sát cho rằng vẫn còn chỗ cho những người lao động có trình độ học vấn cao hơn, nhưng việc làm cần được tạo ra và các công ty phải sẵn sàng thuê họ.
Bên cạnh nền kinh tế trì trệ, các chính sách theo đuổi động lực tăng trưởng mới như số hóa và tự động hóa đã khiến một số người lao động dễ bị tổn thương.
Một báo cáo năm 2018 của công ty tư vấn PwC cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ liên quan có thể thay thế khoảng 26% công việc hiện có ở Trung Quốc trong 2 thập kỷ tới.
Tiến sĩ Chen Gang, Phó Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng các chính sách hiện nay không đủ hiệu quả để bù đắp những thay đổi và tác động từ cuộc cách mạng công nghệ trong các ngành công nghiệp. “Chính phủ đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ đã cố gắng thúc đẩy công nghệ cao và AI trong tất cả các loại hoạt động, nhưng mặt khác, kiểu cải tiến công nghệ này cũng gây ra tổn thất lớn về cơ hội việc làm và thu nhập”, Tiến sĩ Gang nêu rõ.