Shipper sử dụng xe điện để giao hàng. Ảnh: UNDP

Những tín hiệu tích cực

Vào tháng 5/2023, UNDP phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế. Thử nghiệm tập trung vào 63 shipper đang làm việc tại Viettel Post ở Huế. Các shipper được chia thành hai nhóm, một nhóm sử dụng xe máy xăng và nhóm còn lại sử dụng xe máy điện. Mục đích của chương trình là làm sáng tỏ bức tranh về nhu cầu, sở thích và hành vi của giới tài xế, đồng thời thúc đẩy người dùng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng tới xanh hóa đô thị và phát triển bền vững.

Kết quả sau thời gian thực hiện, dự án đã được Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế trình bày tại Hội thảo “Định hướng phát triển giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường và kế hoạch phát triển giao thông xanh cho thành phố Huế” vào cuối tháng 2 vừa qua. Theo đó, việc sử dụng xe máy điện rõ ràng đã mang lại lợi ích cho shipper với chi phí vận hành thấp hơn, các shipper sẽ tăng thêm được lợi nhuận. Trung bình, với mỗi lượt giao hàng chi phí năng lượng giảm 33,08%, chi phí sửa chữa giảm 82,7%. Con số này không những có ý nghĩa đối với người giao hàng mà còn có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp vận chuyển. Bên cạnh đó, thu nhập trung bình trên số lượt giao hàng của các shipper sử dụng xe máy điện tăng 34,9% so với shipper xe máy xăng. Các shipper cũng có những phản ứng tích cực với trải nghiệm giao hàng bằng xe điện. Anh Lê Đức Tài, shipper của Viettel Post chia sẻ: “Tôi có dịp giao hàng cho một số khách người nước ngoài. Khi giao hàng cho họ bằng xe máy điện, họ đều rất hài lòng và đánh giá cao”.

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế bên cạnh những con số tích cực qua quá trình thử nghiệm dự án, vẫn còn nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp chưa thể thực hiện triển khai chuyển đổi phương tiện giao vận. “Hiện tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện giao thông điện nói chung và trong ngành giao vận nói riêng. Nhà nước cũng chưa ban hành các quy định liên quan về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, giá điện cho trạm sạc điện cho giao thông. Điều đó khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, vận hành các hạ tầng giao thông điện; các doanh nghiệp logistics chưa đủ động lực chuyển đổi phương tiện điện và shipper chưa thể mạnh dạn chuyển đổi trong điều kiện tài chính hạn chế”, ông Cường phân tích.

Bên cạnh đó, nhận thức của shipper và khách hàng về sống xanh và bảo vệ môi trường chưa cao nên shipper chưa có đủ động lực, chưa chịu áp lực phải chuyển đổi sang một loại phương tiện giao thông mới theo hướng bảo vệ môi trường. Đồng thời, các rào cản về mặt kỹ thuật và công nghệ, các lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình di chuyển như tắt máy khi nhiệt độ cao và lên dốc, lỗi kết nối vào trạm hoán đổi pin… cũng khiến các shipper e ngại khi sử dụng xe điện. Sự thiếu ổn định và thấp của thu nhập cũng là rào cản lớn cho việc chuyển đổi phương tiện của shipper. “Nếu shipper nhận được các ưu đãi về vay vốn lãi suất thấp và/hoặc giảm giá mua xe thì quyết định mua xe máy điện sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông Cường nói.

Trước những rào cản trên, Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế đã đề xuất một số giải pháp như: quy hoạch giao thông theo hướng lồng ghép giao thông điện, giao thông xanh vào quy hoạch chung, quy hoạch đô thị của tỉnh và thành phố Huế; thí điểm một số điểm đặt trạm sạc ban đầu để đánh giá hiệu quả, sau đó mới nhân rộng và xây dựng quy chế phù hợp; có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển hạ tầng giao thông điện nói chung và trong ngành giao vận nói riêng, và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đề xuất nhân rộng mô hình thử nghiệm này trong ngành du lịch, tiến tới đưa ra các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác chuyển đổi sang phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường.

ĐĂNG TRÌNH