Chị Hương kể về niềm vui phát triển vườn sâm Bố Chính |
Theo chân Thượng tá Tạ Khắc Đồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Nguyên; Thiếu tá Blup Hữu Bảy, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã A Roàng; Đại úy Hồ Ngọc Anh, Đội trưởng Đội trinh sát và Thượng úy Hồ Bá Ban, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, chúng tôi đến thăm gia đình anh A Viết Tách ở thôn A Roàng 1, xã A Roàng, huyện A Lưới. Gia đình anh A Viết Tách là một trong những hộ điển hình vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất.
Nắng chiều đang dần khuất sau những ngọn keo tràm bên kia triền núi, gió núi vi vu đưa tiếng lục lạc leng keng vang xa trên đồng làng. Bước chân anh A Viết Tách vội vã băng qua cánh đồng để lùa đàn bò về chuồng. Năm 2019, gia đình anh A Viết Tách được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) hỗ trợ một con bò giống. Nhờ cần mẫn chăm sóc, gia đình anh đã phát triển thành đàn bò 5 con béo tốt.
Anh Tách nói, nhờ được chính quyền quan tâm, nhận được hỗ trợ từ các chính sách, vợ chồng anh còn được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, được BĐBP đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nên từ một hộ khó khăn, giờ ngoài bò, gà, gia đình anh Tách làm chủ 2 ao cá; 2ha keo đã qua 1 mùa thu hoạch, cùng ruộng lúa diện tích 1ha; cuộc sống ổn định, ấm no.
Có tiền tích lũy, anh A Viết Tách thực hiện mở rộng phát triển kinh tế; mua thêm miếng đất nhỏ trên tuyến đường chính, nơi tập trung đông dân cư hơn. Khoe ngôi nhà đang xây dựng, anh Tách cười hỉ hả: “Sau này, chúng tôi sẽ mở quán tạp hóa, phục vụ nhu cầu của bà con. Vợ, chồng tính toán để vẫn chăm lo việc rừng, việc ruộng, vẫn phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời vừa buôn bán, kiếm thêm thu nhập”.
Ở bản làng vùng cao này, những cặp vợ chồng biết làm ăn như Tách không phải hiếm. Thiếu tá Blup Hữu Bảy cho biết, nhiều hộ gia đình như Ploong Thị Loan, hộ Lê Minh Hoàng đều có ruộng lúa, có rừng keo tràm, rừng cao su, có dê chăn thả sau vườn nhà. Cuộc sống ấm no hiển hiện trên những gương mặt rạng rỡ, dù khi ngược dốc lên rẫy giữa ngày mưa hay ngày nắng.
Nhớ hôm ghé nhà chị Hồ Thị Nhước, bên chuồng dê nhà mình, chị khoe dê được BĐBP hỗ trợ con giống, đã đến mùa sinh sản. Từ 5 con dê cái giống ban đầu, nay đã thành đàn 10 con. Mục tiêu của gia đình chị Nhước là “gây” được đàn dê vài chục con. Lứa sau gối lứa trước, sẽ mang lại thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, chăn nuôi gà, ngan là cách gia đình chị Nhước “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ BĐBP giúp đỡ, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm nên chị Nhước biết cách chăm dê khỏe, nhanh lớn; “bảo toàn” đàn gà, ngan đẻ trứng vừa bán lấy tiền, vừa cải thiện bữa ăn. Cũng như các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn, được chính quyền địa phương và BĐBP hỗ trợ, giúp đỡ, bây giờ, hộ chị Nhước đã từng bước thoát nghèo một cách bền vững. Dù chưa phải giàu có, nhưng cái ăn, cái mặc đã không còn phải lo lắng như xưa.
Tôi nhớ gương mặt ướt mồ hôi nhưng nụ cười vô cùng rạng rỡ của chị Phan Thị Hồng Hương (thôn Lalong A Bung, xã Quảng Nhâm) trên cánh đồng sâm Bố Chính của gia đình, khi cùng Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm; Thượng úy Nguyễn Văn Yên, Đội trưởng Đội vận động quần chúng; Thiếu tá Lê Khắc Tấn, cán bộ tổ công tác địa bàn, đến thăm vườn. Lúc đó, vườn sâm đang kỳ ra hoa đỏ rực cả một vùng đồi.
Trên cánh đồng sâm Bố Chính, chị Hương đi dọc từng luống, thu hoạch hoa. Quệt giọt mồ hôi vừa rớt xuống nơi mí mắt, chị Hương vui vẻ khoe, ngoài 5 sào sâm Bố Chính, gia đình chị còn trồng 5 sào cây cà gai leo. Trước đây gia đình chị Hương chủ yếu trồng sắn, trồng ngô… hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây dược liệu đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, khi đầu ra được bao tiêu hoàn toàn.
Ngoài cây dược liệu, gia đình chị còn trồng thêm cây ăn quả như như mận, xoài, bưởi da xanh. Bên kia cánh đồng sâm, là rẫy thanh long của gia đình đang chín đỏ rực. Niềm vui ấm no như lan tràn trong ngọn gió vi vu khi ruộng đồng trải dài những màu xanh tít tắp khắp núi đồi.
Thượng tá Lê Xuân Thanh chia sẻ, cùng với các nguồn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng BĐBP đã đồng hành, hỗ trợ bà con về công sức, kỹ thuật (như cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi) giúp bà con phát triển kinh tế. Để từ đó, giảm nghèo, thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu, cùng chung tay xây dựng mảnh đất biên giới ngày càng phát triển.