Cảnh bất an của những ngôi nhà xuống cấp nằm trong dự án triển khai chậm ở Phú Hải, Lộc Vĩnh |
Sợ… ở trong nhà mình
Giữa tiết xuân, những tia nắng hanh hao trải dài trên con đường một thời được mệnh danh là “cung đường du lịch” Lăng Cô. Từ đây qua một lối nhỏ ngoằn ngoèo, làng Phú Hải hiện dần những ô màu, vạt lúa khô khốc và những mái nhà thấp cũ mênh mang buồn. Đón chúng tôi ở đây, ông Hắc Xuân Thi, người có uy tín của làng buột tiếng thở dài: “làng tôi… sợ lắm”.
Nằm bên nhiều DA triệu đô đang khởi sắc, nhưng cuộc sống làng Phú Hải hôm nay sao lặng buồn quá. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Thi chỉ tay vào một ngôi nhà cũ kỹ, in hằn thêm kham khổ bằng dáng người ở tuổi xế chiều của bà Nguyễn Thị Hường. Từ những phút đầu e ngại với khách lạ, bà Hường bắt đầu mở lời. “Dột nát hết rồi, mưa xuống là mấy mẹ con phải đi ở nhờ. Mà không đợi mưa gió, không biết hắn sụp đổ lúc mô” - bà Hường lo lắng.
Tôi nhìn sang bên cạnh, một mái nhà nằm chỏng chơ, tường cửa rêu bám ẩm mốc như chờ chực đổ và trước thềm hiên có mấy con gà, con vịt bươi xới tung tóe. Cạnh nhà này có một căn nhà cấp 4 mới xây mùi xi măng còn nồng. Ông Thi cho biết, ngôi nhà này của người con trai út bà Hường, tên là Phạm Bảy (Cu). Gia đình anh Bảy thuộc diện nghèo, vợ thất nghiệp, lâu nay ở trong căn nhà dột nát nên cán bộ thôn rất quan ngại. Dù căn nhà nằm diện quy hoạch nhưng năm vừa qua cán bộ thôn, xã cam kết bảo lãnh kêu gọi những tấm lòng hảo tâm xây lại căn nhà tình nghĩa giúp gia đình anh Bảy trú ẩn an toàn. Duy nhất chỉ trường hợp anh Bảy là diện đặc biệt, còn lại nhiều trường hợp khác dù đã nhiều lần viết đơn xin sửa chữa để an cư nhưng không được đồng ý.
Nghe những chia sẻ của ông Thi và bà Hường, chúng tôi phần nào hình dung được nỗi khổ bị “treo” vì vướng quy hoạch của người dân Phú Hải. Mà lo hơn cả là rất nhiều căn nhà ở đây đã chạm ngưỡng già nua mà theo cách gọi của họ là “hết đát”. Do đó rất sợ mỗi khi mùa mưa gió tới.
Như lời ông Thi, như năm vừa rồi có một cơn gió mạnh mà trong khi các thôn khác bình yên nhưng ở Phú Hải gần chục nhà bị tốc mái và bay nóc. Gió làm bay nóc, tốc mái bà con chung tay lợp lại ở tạm chứ tuyệt đối không xây cất theo hướng bền vững, thành ra ở đây chẳng có cái nào tử tế.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: người dân Phú Hải đã treo trong vùng quy hoạch DA du lịch hơn 15 năm nay. Từ năm 2009 nghe cấp trên thông báo thực hiện DA khu nghỉ dưỡng Phú Phong - Lăng Cô thì làng Phú Hải gần 300ha phải nhường đất để đến nơi ở mới. Năm 2011, cán bộ xã đã lội hết từng nhà, rà soát hơn 120 hộ tại làng Phú Hải nằm trong danh sách TĐC nơi ở mới. Xã đã có bản báo cáo về thực trạng đất, nhà ở của bà con Phú Hải; trong đó phần lớn xây dựng trước thời điểm năm 2000; đặc biệt quỹ đất nằm trong dự án có hơn 63ha rừng dẻ nguyên sinh - là bức bình phong chắn bão cát hình thành hàng trăm năm trước. Thế nhưng câu chuyện quy hoạch, GPMB thời điểm này rơi vào lãng quên. Bao nhiêu chuyện đã nảy sinh; trong đó việc đầu tư phát triển kinh tế ruộng, vườn bị bỏ ngỏ, bởi tâm lý hầu hết bà con chỉ làm tạm để chờ đến nơi mới.
Sẽ triển khai dự án trong năm nay
Ông Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc chia sẻ: DA khu nghỉ dưỡng Phú Phong - Lăng Cô ở Lộc Vĩnh kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ và mấy đời Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc. Đây là DA nằm ở khu Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (KKT CM-LC) nên những kế hoạch tiến độ đầu tư DA này do BQL Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh quản lý; huyện Phú Lộc chỉ là đơn vị thực hiện công tác GPMB khi có quyết định đầu tư. Theo quan điểm của ông Mẫn, khi DA, doanh nghiệp nào đến địa phương, không ai muốn triển khai ì ạch; đồng thời mong muốn sau khi đi vào hoạt động phát huy hiệu quả để dự phần vào bức tranh kinh tế ở địa phương.
Đại diện lãnh đạo BQL Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh thừa nhận, DA Khu nghỉ dưỡng Phú Phong - Lăng Cô (nay là Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô) triển khai quá chậm, có thời điểm DA ngừng triển khai kéo dài. Chuyện này một phần có lỗi từ chủ đầu tư, nhưng bên cạnh đó cũng do vướng mắc trong quy hoạch tại KKT CM-LC. Cụ thể việc quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía bắc trục trung tâm Lăng Cô đến khu vực núi Giòn có chồng chéo, bất cập phải điều chỉnh nên chủ đầu tư mất nhiều thời gian chờ đợi, dẫn đến phải triển khai đầu tư DA chậm so với kế hoạch ban đầu.
Đầu năm 2024, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư DA; trong đó quy mô ban đầu gần 300ha nay giảm còn 169ha; vốn từ 5.230 tỷ đồng, nay tăng lên hơn 16.000 tỷ đồng. Tất cả nội dung điều chỉnh này đang chờ các sở, ban, ngành liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh chấp thuận để DA triển khai chậm nhất trong tháng 4/2024. “Vui là hiện nay chủ đầu tư DA này đã ứng trước cho chính quyền cơ sở 50 tỷ đồng để thực hiện GPMB” - đại diện này cho biết.
Đó là những thông tin mới nhất của DA từ BQL Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh mà chúng tôi nhận được. Người dân làng Phú Hải kỳ vọng, tỉnh sớm chấp thuận chủ trương để dự án triển khai thuận tiện và họ sớm được an cư trong những ngôi nhà mới kiên cố, vững chãi...