Cao tốc Cam Lộ - Túy Loan tạo động lực kết nối liên vùng khu vực miền Trung |
Hoàn thiện giao thông nội tỉnh
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao. Đạt được kết quả này, nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, bởi đây không chỉ là tiêu chí quan trọng mà còn là đòn bẩy để tạo sự bứt phá. Với tầm quan trọng này, Thừa Thiên Huế đã, đang có nhiều dự án (DA) giao thông quan trọng được quy hoạch, tạo sự kết nối các đô thị tại các huyện, thị: Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang… góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hồ Hữu Phú, Trưởng BQL Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền cho biết, thời gian qua, Phong Điền là địa phương được tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với nguồn vốn lên hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh tuyến Phong Điền - Điền Lộc kết nối trung tâm huyện về vùng biển dài hơn 16km, kinh phí hơn 600 tỷ đồng do BQL Đầu tư DA XDCTGT tỉnh làm chủ đầu tư, huyện còn triển khai tuyến Khúc Lý - Mỹ Xuyên dài hơn 8,4km với kinh phí hơn 77 tỷ đồng; chỉnh trang vỉa hè, lề đường QL1A qua trung tâm An Lỗ (Phong An, Phong Hiền) và thị trấn Phong Điền. Ngoài ra còn nhiều tuyến đường được thực hiện theo chương trình xây dựng NTM kết hợp với phát triển công, nông nghiệp, du lịch ở địa phương được huy động đầu tư từ nhiều nguồn vốn…
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài được đầu tư nâng cấp mở rộng thúc đẩy phát triển giao thông, dịch vụ |
Cũng như Phong Điền, huyện Phú Lộc ngoài hệ thống giao thông ngang dọc kết nối KKT Chân Mây - Lăng Cô, hiện tại địa phương này đang đầu tư mở rộng nhiều tuyến, tạo động lực phát triển các đô thị trong vùng, như: Trục đô thị La Sơn dài 2,7km, kinh phí 152 tỷ đồng; tuyến Vành đai La Sơn dài 2,2km gần 38 tỷ đồng ở khu vực cửa ngõ phía bắc huyện; QL1A lên Vườn Quốc gia Bạch Mã và QL1A - Thiền viên Trúc Lâm Bạch Mã; đường qua trung tâm Vinh Hiền… tạo đà cho các khu vực xây dựng đô thị loại V...
Tại TP. Huế gần đây đã triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng chỉnh trang hai bờ sông Hương cũng như hệ thống lòng, lề đường, vỉa hè ở khu vực nội thành và khu vực vùng ven mới mở rộng. Ngoài ra, nhiều tuyến phía đông thành phố như, Phú Mỹ - Thuận An, Chợ Mai - Tân Mỹ, Phạm Văn Đồng và các tuyến phía tây, như Vành đai 3, cầu vượt sông Hương… đã, đang được đầu tư mở rộng. Đây là những DA góp phần tạo sự bứt phá mới cho đô thị Huế trong thời gian tới.
Trung tâm kết nối giao thông liên vùng
Sau nhiều năm xa quê trở về vào dịp đầu xuân Giáp Thìn, chị Hoàng Thị Chi (TP. Huế) ngỡ ngàng về những đổi thay ở phía đông TP. Huế và thị xã Hương Thủy. Không chỉ nhà cửa, các khu dân cư khang trang hơn mà nhiều tuyến đường mới, thênh thang, sạch đẹp đã kết nối liên vùng. Chị Chi thực lòng, trước đây mỗi khi từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế xuống cảng HKQT Phú Bài phải mất gần 2 giờ đồng hồ theo ô tô về nhà tại xã Hải Dương (TP. Huế). Vừa rồi, xuống Cảng HKQT Phú Bài, chị Chi theo ô tô hướng QL1A qua đường Võ Văn Kiệt - đường Phú Mỹ - Thuận An thấy lộ trình về nhà rất gần, xe chạy êm, người thư thả… mà chỉ mất chưa đến 1 giờ đồng hồ. Theo cung đường trên, chị Chi được ngắm các khu dân cư, các đô thị mới An Vân Dương, Đông Nam Thủy An (TP. Huế)… trong diện mạo mới đổi thay hoàn toàn so với 5 năm về trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại các hội nghị góp ý xây dựng đồ án Quy hoạch chung phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 và định hướng đến 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 108, các công trình giao thông nội tỉnh và quốc gia đã, đang dần hoàn thiện, tạo nên tầm vóc mới cho đô thị Thừa Thiên Huế mang nét đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường, thông minh.
Với Quyết định phê duyệt trên, cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế có ba khu vực trọng điểm để phát triển. Cụ thể, khu vực đô thị trung tâm, gồm TP. Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà được kết nối trên cơ sở các tuyến giao thông Phú Mỹ - Thuận An, đường tây ven phá Tam Giang đã hoàn thiện; đường Chợ Mai - Tân Mỹ; đường Tố Hữu nối TP. Huế đến cảng HKQT Phú Bài đang triển khai xây dựng. Tại khu vực phía nam hiện đã tạo được bộ khung hạ tầng giao thông khi kết nối hầm đường bộ Hải Vân, các tuyến dọc ngang tại KKT CM-LC và hành lang QL1A, đường sắt và cao tốc La Sơn - Túy Loan để tiếp tục đầu tư lên đô thị loại 3, mang nét đặc trưng đô thị du lịch, dịch vụ, cảng biển...
Tại phía bắc hiện nay đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng, dịch vụ thương mại, công nghiệp và chỉnh trang mở rộng các tuyến giao thông liên vùng, kết nối với tuyến Phong Điền - Điền Lộc và QL49B… để đưa huyện Phong Điền lên thị xã, từng bước xây dựng đô thị loại 4 đạt chuẩn giai đoạn 2025-2030.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nhìn nhận, hiện nay hệ thống giao thông nội tỉnh và quốc gia trên địa bàn cơ bản đã hoàn thiện kết nối liên hoàn với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung. Đây là động lực mới cho đô thị Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.