Các địa phương thành lập tổ công tác cấp huyện về chỉ đạo hiện trường trồng rừng gỗ lớn |
Theo kế hoạch UBND tỉnh, đến hết năm 2025, mục tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ có 1.050 ha rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa gỗ lớn và 14.000 ha rừng trồng sản xuất các loài keo gỗ lớn. Tuy nhiên, việc phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện thị trường thu mua còn thất thường, vẫn còn tâm lý sợ gãy đỗ khi gặp bão, lốc. Diện tích rừng trồng của hộ gia đình còn nhỏ, manh mún. Việc tìm kiếm và liên kết các doanh nghiệp thu mua sản phẩm từ gỗ có chứng chỉ rừng FSC còn hạn chế và người dân khó khăn khi tiếp cận với cây giống...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, thời gian qua, công tác phát triển lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Người dân đã thực sự quan tâm và phát triển nghề rừng, đặc biệt là công tác trồng rừng.
Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là áp dụng phương thức trồng kinh doanh gỗ nhỏ, chưa có nhiều giải pháp để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.
Chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững |
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập kế hoạch cụ thể để thực hiện trồng rừng gỗ lớn và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đảm bảo kế hoạch thực hiện đúng tiến độ đề ra trong năm 2024 và 2025.
Các địa phương thành lập tổ công tác cấp huyện về chỉ đạo hiện trường trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thành viên tổ công tác gồm các đơn vị liên quan, có phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên, để chỉ đạo và tổ chức thực hiện vận động, tuyên truyền, tập huấn cho các chủ rừng là hợp tác xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.
Ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn tại địa phương. Đưa nhiệm vụ này vào chương trình công tác ưu tiên tại địa phương để theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo thực hiện hàng năm.