Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án). Câu chuyện mà em đang “cầu cứu” có nội dung: Một học trò của trường em mới 7 tuổi, là cháu gái, có bố mẹ đã ly hôn. Khi giải quyết vụ án hôn nhân & gia đình, tòa án đã “phân chia” cho người mẹ được trực tiếp nuôi dưỡng con gái nhỏ. Mọi chuyện được thực thi theo quyết định của tòa án. Nhưng thời gian gần đây, mẹ cháu bé đã có chồng mới, nên bố cháu bé gửi đơn đến tòa án yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Trong vụ án này, tòa án các cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) đều xử cho người bố được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Hiện, người bố chuẩn bị chuyển công tác ra một tỉnh phía bắc, nên đã hoàn tất thủ tục chuyển trường cho con gái.

 

Hôm ấy, người bố đột ngột đến trường lúc giữa buổi học, yêu cầu cô giáo cho phép đón con, đồng thời định bế cháu bé rời khỏi lớp học. Nhưng cháu bé khóc hoảng, tay bám chặt mép bàn “rị” lại, không chịu theo bố. Mặc dù người bố xuất trình đầy đủ quyết định của tòa án và các thủ tục chuyển trường đã hoàn tất, nhưng trước cảnh tượng xót lòng đó, các giáo viên một mặt điện thoại cho mẹ cháu bé cùng đến để “thương lượng”, giải quyết; mặt khác bồng cháu bé, vỗ về những lời trấn an, đồng thời, yêu cầu người bố đợi đến cuối buổi học, và không nên có hành động đường đột làm xáo động tâm lý của đứa con nhỏ, cũng như các cháu học sinh trong lớp.

Sau giây phút căng thẳng, được các giáo viên phân tích, thuyết phục, người bố chấp nhận “tạm hoãn” việc đưa con đi; ngày hôm sau đến trường để nói lời xin lỗi vì hành động đường đột đã gây xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý của con mình và các cháu nhỏ trong lớp học. Đồng thời người cha này bày tỏ, sau khi suy nghĩ kỹ càng, anh quyết định để con gái theo học tại trường đến kết thúc năm học, tạo thuận lợi cho con được trong môi trường bạn bè, thầy cô, quen thuộc, tránh ảnh hưởng việc học hành của cháu.

Trong một cuộc hôn nhân tan vỡ, chịu thiệt thòi nhiều nhất là con nhỏ của các cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”. Phần lớn cha mẹ nào cũng thương, cũng lo cho con. Nhưng lo lắng yêu thương ấy cũng phải thật thấu đáo, phải đặt cảm xúc, mong muốn chính đáng của con ở vị trí quan trọng, có cách hành xử để các cháu không bị tác động xấu, bất ổn về tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần của các cháu. Thầy cô giáo trong trường, ai nấy đều nhẹ nhõm. Bởi vì người cha ấy đã kịp điều chỉnh, để suy nghĩ thấu đáo cho con mình.

Quỳnh Anh