Đồng đội cũ tặng hoa bà Lê Thị Dấm nhân dịp 8/3 |
Lê Thị Dấm (Gối) là bí danh của bà Lê Thị Nhung, quê Thủy Dương (Hương Thủy) nhưng tham gia hoạt động cách mạng ở Nguyên Thủy, nay là xã Thủy Bằng thuộc thành phố Huế. Năm 1967, khi mới 19 tuổi, bà Lê Thị Dấm được kết nạp Đảng và vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến. Những cán bộ, chiến sĩ hoạt động, chiến đấu chung quanh quận lỵ Nam Hòa hầu như ai cũng biết về người đảng viên quả cảm và trung kiên này!
Cùng với phản kích, sau Xuân 1968, quân Mỹ lập nhiều chốt chặn ở vùng giáp ranh, còn quân đội Sài Gòn mở nhiều cuộc hành quân càn quét ở đồng bằng và tăng cường lực lượng chiếm giữ.
Đến giữa năm 1968, đối phương đã cơ bản hoàn thành chương trình “Bình định cấp tốc”. Ở Nguyên Thủy sau khi dồn dân các thôn: Nguyệt Biều, Châu Chữ vào các khu tập trung ở quanh lăng Khải Định; thôn Võ Xá, Vỹ Dạ gom về thôn Cư Chánh 1; thôn Dạ Khê đưa về sống ở thôn Bằng Lãng, đối phương tiến hành lọc và bắt giam phần lớn cơ sở cách mạng.
Do Nhân dân bị khống chế và lực lượng bám trụ bị đánh bật ra khỏi các thôn nên việc móc nối, liên lạc với cơ sở hoạt động hợp pháp là vô cùng khó khăn.
“Trước tình hình đen tối này, Bí thư Huyện ủy Hương Thủy Nguyễn Xuân Ngà đã triệu tập Huyện đội trưởng Đặng Trường Sơn và tôi yêu cầu phải gấp rút tăng cường lực lượng cho Nguyên Thủy. Sau cuộc họp đó, đoàn cán bộ, chiến sĩ 9 người của C3 Đặc công do tôi dẫn đầu đã tìm về Nguyên Thủy và theo chỉ đạo là phải tìm cho bằng được Tổ du kích Nguyên Thủy lúc này đang lẩn tránh ở đồi Mồ Côi”. Nguyên Đại đội trưởng Đặc công – C3 Hương Thủy Lê Hữu Tòng nhớ lại.
Cựu chiến sĩ C3 Đặc công Hương Thủy Hà Ngọc Chuyên kể: Đó là buổi chiều của tháng 9/1970, lũ đầu mùa trắng xóa các cánh đồng làm cho đồi Mồ Côi trở thành ốc đảo. Ba anh em chúng tôi băng qua bàu ruộng nước có nơi ngập tận cổ. Khi tiếp cận chân đồi, ba anh em gồm tôi, Vũ Hồng Bàng và Nguyễn Quán phân công nhau mỗi người mỗi ngã dùng tín hiệu bắt liên lạc và cuối cùng đã đưa được ba người ra Động Hoàng ẩn nấp, đó là chị Nguyễn Thị Thảo, Lê Thị Dấm và Nguyễn Viết Hùng!
*
Để gây dựng lại phong trào, bà Lê Thị Dấm tìm cách liên lạc và gây dựng gần 20 cơ sở ở các thôn: Dương Phẩm, An Ninh, Châu Chữ, Kim Sơn, Cư Chánh; đồng thời lập 3 “Hòm thư chết” ở vườn nhà bà Nguyễn Thị Ngâu, Lê Thị Thẻ.
Kể về trường hợp lập “Hòm thư chết” ở vườn cũ ông Kiểm Hoanh, bà Lê Thị Dấm cho biết, sau khi liên lạc được với chị Nguyễn Thị Ngâu và chị Nguyễn Thị Sáo (có chồng là ông Hoàng Trọng lúc ấy đang làm Ấp trưởng thôn Dương Phẩm), tôi đã liên lạc với cụ Kiểm Hoanh. Cụ Kiểm Hoanh tên thật là Lê Khanh, trước cách mạng tháng 8/1945 từng làm Kiểm nã nên dân làng quen gọi ông là cụ Kiểm.
Ông Kiểm Hoanh từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau Hiệp định Geneve 1954 được Đảng cử ở lại và mãi đến năm 1960 qua móc nối của ông Phan Gia Phú (nguyên Bí thư Nguyên Thủy thời chống Pháp, Phó Bí thư Huyện ủy Hương Thủy, hy sinh năm 1963) mới tiếp tục hoạt động cách mạng.
Cuối năm 1970 khi bà Dấm tìm cách bắt liên lạc với ông Kiểm Hoanh thì gia đình ông đang sinh sống trong khu tập trung gần lăng Khải Định. Không thể về đó được nên bà Dấm bàn với ông Kiểm Hoanh lập “Hòm thư chết” trong khu vườn cũ của gia đình ông ở làng Châu Chữ - nơi ban ngày ông vẫn được lên về làm ăn.
Vườn cũ của gia đình ông Kiểm Hoanh có nhiều mít. Chúng tôi y ước chọn cây cao nhất để đặt sào. “Hòm thư chết” được đặt dưới đít cây lồ ô đã cưa mắt, bên trên có móc khèo để dễ phân biệt. Sau khi bỏ thư vào, ông dùng một viên đá cuội chèn lại.
Mỗi khi muốn nắm tình hình, tôi nhờ chị Ngâu, chị Sáo tìm gặp ông Kiểm Hoanh truyền đạt lại yêu cầu. Là người có uy tín trong làng, xã nên ông Kiểm Hoanh dễ dàng tiếp cận thông tin, nhờ vậy mà qua “Hòm thư chết” tôi biết được lực lượng địch tăng cường, nơi chúng đóng quân và thường tổ chức phục kích ở điểm nào…
Nhờ có sự giúp đỡ của những cơ sở hoạt động hợp pháp nên bà Lê Thị Dấm nắm khá rõ tình hình hoạt động của đối phương. Để tránh tổn thất, mỗi khi từ Động Hoàng xâm nhập các thôn, bà Dấm thường là người đi đầu và khi quay về thường người đi sau để xóa dấu vết nên anh em C3 đặt cho bà biệt danh là “Dấm khua sương”!
Lực lượng được tăng cường, cơ sở cách mạng ở Nguyên Thủy dần khôi phục, Huyện ủy Hương Thủy xác định, muốn phá thế kìm kẹp của địch trước mắt phải diệt cho được Chi khu quân sự Nam Hòa vì nó là xương sống khống chế cả vùng giáp ranh tả và hữu ngạn sông Hương.
“Là Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng C3 Đặc công, tôi được Huyện đội trưởng Đặng Trường Sơn giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy tấn công vào căn cứ quân sự này. Chính chị Lê Thị Dấm là người dẫn đường, không chỉ một lần mà là ba lần đưa tôi áp sát để bí mật xâm nhập vào căn cứ quân sự Nam Hòa điều nghiên trận địa của đối phương. Nhờ nắm chắc tình hình nên 16 cán bộ, chiến sĩ C3 do tôi trực tiếp chỉ huy đêm 23/6/1971 đã tấn công. Bị đánh bất ngờ, địch ở Chi khu quân sự Nam Hòa trở tay không kịp. Trận đó ta toàn thắng, không có ai hy sinh. Trước khi rút, tôi thu được cây Carbin - M2 và dùng chiến lợi phẩm này tặng cho người dẫn đường - Chủ tịch Nguyên Thủy Lê Thị Dấm như là một sự tri ân!” - Lê Hữu Tòng nhớ lại.
Sau thắng lợi vang dội này, ta quyết định dùng hỏa lực để tấn công căn cứ Chóp Vung. Chóp Vung là điểm cao nhất trong vùng. Hết Pháp đến Mỹ đều chọn điểm này lập đài quan sát. Đứng ở trên cao có thể quan sát cả vùng gò đồi rộng lớn trải dài từ bờ nam sông Tả Trạch đến tận căn cứ Phú Bài và thành phố Huế. Khi phát hiện đối phương di chuyển, chúng gọi pháo hoặc máy bay tấn công làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng, nguyên chiến sĩ Đội An ninh vũ trang Huế nhớ lại, mục đích của trận đánh này là dùng hỏa lực khống chế Chóp Vung để lực lượng cán bộ chính trị xâm nhập thôn Kim Sơn phát động quần chúng.
Tham gia tấn công Chóp Vung đêm đó có nhiều đơn vị, gồm: C3 Đặc công, Đội Biệt động Hương Thủy; Đội Biệt động và Đội An ninh vũ trang Huế do Tiểu đoàn trưởng Đặc công 1 (bí danh Chị Thừa 1) Nguyễn Tấn Thọ chỉ huy. Trận đánh này quân ta tiếp cận một ngọn đồi rồi dùng cối hạng nhẹ, B 40, B41 và trung liên cấp tập dội bão lửa vào hệ thống phòng ngự của địch ở Chóp Vung.
Vì tấn công bằng hỏa lực nên không có thương vong. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tấn Thọ “lãnh trọn” khối lửa của B40 phụt ra phía sau do khi bắn, xạ thủ B40 không chú ý ông đang ở phía sau lưng mình!
Cũng trong đêm ấy, theo phân công, bà Lê Thị Dấm cùng đoàn cán bộ của tỉnh, của huyện vào thôn Kim Sơn phát động quần chúng. Trên đường rút lui, bà Dấm bị thương ở chân do bị trúng mảnh đạn pháo. Mặc dù bị thương 3 lần nhưng bà Lê Thị Dấm không hề biết sợ, nhưng chuyện bà và ông Lê Hữu Tòng thoát chết trong gang tấc làm bà nhớ mãi.
Đó là vào đầu mùa Thu của năm 1970 khi bà cùng hai ông: Lê Hữu Tòng, Hà Ngọc Chuyên nằm chung hầm ở đồi chè thôn Dương Phẩm. Chiều hôm đó, Hà Ngọc Chuyên đang ở đồi nấu cơm thì dưới hầm ông Tòng và bà Dấm nghe súng nổ. Họ vội vã rời khỏi căn hầm tìm nơi lẩn tránh. Chạy được một đoạn, quan sát ba hướng đều có địch. Cùng đường, thấy trước mặt có bờ lau nên ông Tòng vội kéo bà Dấm lần bò đến đó ẩn nấp. Không rõ địch phát hiện hay không, nhưng bọn chúng hết tung lưu đạn lại bắn M.79 vào khu vực mà hai người đang ẩn nấp. Chưa hết, chúng còn điều trực thăng đến quần thảo kiếm tìm. Hai chiếc trực thăng thay nhau bay sát rạt, sức gió từ cánh quạt lật tung mọi thứ. Nhờ ẩn mình dưới bàu nước sâu và dùng số lau lách bị đạn cắt lìa che phủ nên họ chưa bị lộ. Máy bay hết quần thảo, tiếng đạn ngưng nổ, tưởng yên nên ông Tòng nhoài người quan sát. Từ trên đồi từng tốp lính tỏa xuống bàu ruộng hoang nơi hai người đang ẩn nấp lùng sục. Tiếng lội nước bì bõm của toán lính đang đến gần và có khi cách họ chưa đầy chục mét.
Thấy khó thoát nên bà Dấm dặn ông Tòng: “Nếu địch phát hiện thì anh nhất định phải bắn em trước. Thà hy sinh chứ kiên quyết không được để địch bắt !”. Ông Tòng trấn an: “Khi đó anh sẽ rút lựu đạn để cả hai chúng ta cùng hy sinh!”. Đang lúc căng thẳng bỗng nhiều tiếng nổ lớn vang lên. Lúc này trời nhá nhem tối và tiếng lội bì bõm của toán lính cũng thưa dần. Hóa ra những tiếng nổ cứu mạng đó dội lên ở phía chân đồi chè Dương Phẩm, khi bọn chúng tìm thấy chỗ mà ban chiều Hà Thúc Chuyên đã nấu cơm và phát hiện chiếc hầm cất giấu gạo muối của cán bộ Nguyên Thủy.
Hai người thoát chết trong gang tấc nên mãn nguyện khi được sống bình yên, hạnh phúc bên con cháu trên quê hương yêu dấu hôm nay.