Thiết bị trợ lực tự động, hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho quá trình phục hồi chức năng của bệnh nhân bị tê liệt các chi của học sinh Trường THPT Vinh Lộc |
Sáng tạo nhân văn
Nhận thấy tỷ lệ người mắc bệnh tê liệt tại Việt Nam đang gia tăng và thiết bị tập vật lý trị liệu còn thủ công, hai em Đoàn Tấn Dũng và Trần Nguyên Phước, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Vinh Lộc (huyện Phú Lộc) đã nghiên cứu, tìm hiểu, thiết kế và tạo ra thiết bị trợ lực tự động, hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho quá trình phục hồi chức năng của bệnh nhân bị tê liệt các chi. Tham dự cuộc thi khoa học - kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024, đề tài này đạt giải nhất.
Sản phẩm có chức năng thực hiện trợ lực tự động các bài tập vật lý trị liệu cơ bản cho người bị tê liệt. Hệ thống được điều khiển bởi ba phương thức: bằng giọng nói, trên app điện thoại và điều khiển bằng cảm biến góc nghiêng. Đoàn Tấn Dũng giới thiệu: “Sản phẩm có chức năng trợ lực tự động để các bệnh nhân tập luyện co giãn cơ mà không cần sự trợ giúp trợ lực nào từ người thân. Máy cũng có thể đo lường sức khỏe và cảnh báo an toàn thông qua cảm biến nhịp tim để cảnh báo tình trạng sức khỏe bệnh nhân khi tập luyện, cảnh báo và tự động dừng hệ thống nếu như tập luyện quá sức sẽ hú còi cho người thân biết, có nút dừng khẩn cấp nếu có sự cố”.
Theo chia sẻ của Trần Nguyên Phước, tại những nơi xa xôi, việc di chuyển đến các trung tâm trị liệu tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Qua chứng kiến những người xung quanh bị tê liệt hậu tai biến, chúng em tự hỏi, liệu có thiết bị nào có thể hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại nhà với giá thành phải chăng? Câu hỏi này thôi thúc chúng em nghiên cứu tạo ra thiết bị trợ lực tự động, hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho quá trình phục hồi chức năng của bệnh nhân bị tê liệt các chi.
Sản phẩm có khả năng vận hành tự động, bán tự động, hỗ trợ trị liệu giảm sự trợ giúp của người thân, bác sĩ tự động điều chỉnh kích thước phù hợp với bệnh nhân, có thể ngồi hoặc nằm để tập. Khả năng kết hợp với ứng dụng dễ truy cập, giám sát, có khả năng đo nhịp tim, từ đó có thể điều chỉnh phù hợp hoặc tự động tắt lúc khẩn cấp. Cô giáo hướng dẫn Lâm Thị Quỳnh Tiên cho biết: “Đây là sản phẩm có thể hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị, phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng, có thể trị liệu cả tay và chân tự động cùng lúc. Hiện chưa có sản phẩm hay mô hình nào tương tự trên thị trường. Đề tài này có tính sáng tạo cao áp dụng vào kỹ thuật y học để giúp bệnh nhân bị tê liệt tập luyện vật lý trị liệu tốt hơn, là sản phẩm có ích cho cộng đồng và mang ý nghĩa nhân văn”.
Phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh
Để tăng cường các hoạt động trải nghiệm theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Đây là một trong những hoạt động của thầy và trò trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhằm rèn luyện các kỹ năng để hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2023 - 2024, cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học thu hút sự tham gia của 101 đề tài đến từ 37 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Các đề tài sáng tạo thuộc 5 nhóm lĩnh vực: hóa – sinh, lý – kỹ thuật, môi trường, toán – tin, xã hội – hành vi.
Các vấn đề nghiên cứu của các đề tài có ý nghĩa thực tiễn, một số đề tài mang tính thời sự, giải quyết được nhiều vấn đề xã hội hiện nay theo hướng chuyển đổi số. Các tác giả đã lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp, linh hoạt đáp ứng được yêu cầu của một dự án tham gia cuộc thi KHKT. Số liệu nghiên cứu khá cụ thể, xây dựng và kiểm tra dữ liệu logic, khoa học, thể hiện được khả năng tư duy, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của học sinh trung học.
Cuộc thi là nơi gặp gỡ của những ý tưởng sáng tạo, nơi hội tụ của lòng say mê nghiên cứu khoa học của những học sinh còn trên ghế nhà trường phổ thông. Nhìn các sản phẩm trưng bày, nghe các em học sinh giới thiệu, thuyết minh đề tài mới thấy cuộc thi thật sự là một sân chơi đỉnh cao của trí tuệ. Việc say mê tìm tòi, hăng say trong khám phá cái mới giúp học sinh hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Theo ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, phong trào nghiên cứu khoa học sẽ góp phần thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong các nhà trường phổ thông. Không chỉ có tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy học mà còn có tác dụng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh đạt chất lượng cao hơn. Từ mục đích đó, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học là một hoạt động trải nghiệm không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn của nhà trường.
Mọi sự khởi đầu của khoa học đều khó, càng khó hơn khi người làm khoa học là những em học sinh trong trường phổ thông với điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Nhưng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên quyện với lòng say mê tìm tòi, hăng say trong khám phá cái mới của học sinh đã làm cho không khí nghiên cứu khoa học trong các nhà trường được đẩy mạnh. Đây cũng là động lực thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các trường học đáp ứng với sự đổi mới đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.