Sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế thực hành chế biến món ăn |
Nhiều thách thức
Trong bài chia sẻ tại hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực du lịch mới đây tại Huế, GS.TS.NGƯT. Đào Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITAE) chỉ ra một thực trạng đáng trăn trở, đó là các đơn vị trong ngành du lịch vẫn gặp những thách thức về thiếu nhân lực. Trước thời điểm dịch COVID-19, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động. Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực như: Nguồn lao động thiếu, trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao còn hạn chế.
Huế lợi thế có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực về du lịch, từ trình độ trung cấp đến tiến sĩ, song, bức tranh về nguồn nhân lực vẫn còn đáng lo. Theo số liệu từ Sở Du lịch, nhân lực trong ngành du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 31 nghìn người (tương đương năm 2013), chiếm 5,5% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, giảm 51% so với năm 2019. Đáng chú ý, giai đoạn 2020 - 2022 chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Thừa Thiên Huế gần như đóng băng. Từ đó, có sự dịch chuyển lớn trong cơ cấu nhân lực từ du lịch sang các ngành kinh tế khác, chỉ còn 6,6 nghìn lao động du lịch năm 2021. Du lịch được mở cửa trở lại từ tháng 3/2022 và ghi nhận tín hiệu tích cực của nửa cuối năm 2022 giúp người lao động du lịch có sự quay trở lại, nhưng con số này rất khiêm tốn và chỉ đạt hơn 7,4 nghìn lao động.
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Du lịch sử dụng nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp với yêu cầu đặc thù về lao động, như đòi hỏi sự đa dạng về trình độ từ mức độ chuyên nghiệp, kỹ năng cao cho đến lao động ở mức độ giản đơn. Mỗi nhóm ngành nghề, cấp bậc, vị trí lại đòi hỏi kỹ năng thực hành nghề, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống, kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau...
Theo kết quả phân tích dự báo, số lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế trong năm 2024 sẽ đạt hơn 4,2 triệu lượt khách. Tổng số lao động trong ngành du lịch dự báo cần 35.751 người, trong đó, cần 11.917 lao động trực tiếp và 23.814 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, thống kê của Sở Du lịch cho thấy, nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh từ 14.000 lao động trực tiếp xuống hơn 7.463 lao động trong năm 2022. Số lượng lao động này còn khá thấp so với dự báo 11.917 lao động trực tiếp năm 2024. Vì vậy, du lịch Thừa Thiên Huế rất cần thu hút và tăng cường đào tạo, bổ sung đội ngũ lao động trong ngành du lịch.
Dự báo đến năm 2025, du lịch Huế sẽ đón khoảng 4,7 triệu lượt khách và cần 41.323 người lao động trong ngành du lịch, trong đó, cần 13.774 lao động trực tiếp và 27.549 lao động gián tiếp. Đến năm 2030, du lịch Thừa Thiên Huế dự kiến đón khoảng 8,2 triệu lượt khách và cần 62.834 lao động trong ngành du lịch, gồm 20.945 lao động trực tiếp và 41.889 lao động gián tiếp. Những con số trên cho thấy, du lịch Huế không chỉ lo về chất lượng nguồn nhân lực, mà ngay cả số lượng cũng đang là vấn đề trăn trở.
Cần nhiều giải pháp
Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch, công tác đào tạo nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng và hơn lúc nào hết cần có sự liên kết chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng.
Giải quyết vấn đề nhân lực, phải giải quyết cả bài toán chất lượng và số lượng. Để đáp ứng số lượng theo dự báo thị trường lao động, các trường đại học, cao đẳng cần mở rộng quy mô tuyển sinh theo nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu mở các ngành mới theo yêu cầu của xu thế. Bên cạnh đó, cần sự kết hợp các bậc học để tư vấn, hướng nghiệp đến học sinh một cách đầy đủ và hiệu quả.
Mặt khác, để đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập, cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cơ sở đào tạo, trường đào tạo nghề… Bên cạnh đó, các ban, ngành liên quan cần phải dành nguồn lực để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lực này.
Lãnh đạo Trường Du lịch - Đại học Huế chia sẻ, mối gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp được triển khai nhiều năm qua, đạt được nhiều kết quả. Điều quan trọng là làm sao để tạo cơ hội thực tập, thực tế tốt nhất cho sinh viên, để sinh viên nắm bắt và rèn kỹ năng nghề trong môi trường doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao luôn là mong muốn từ cơ sở đào tạo. Vấn đề này cũng cần những cơ chế phối hợp tốt hơn, đó là sự gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường và nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, ngành du lịch và các đơn vị liên quan cũng cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, khóa tập huấn để nâng cao trình độ, chuyên nghiệp hóa cách làm du lịch của đội ngũ nhân lực đang phục vụ cho nghề và có cơ chế hiệu quả thu hút những người từng làm trong ngành du lịch quay trở lại.