Một lối đi trong chợ Đông Ba có tên "Đường số 9". Ảnh: Bảo Phước |
“Nhà phải có số, phố phải có tên”
Những ngày này, Ban quản lý và tiểu thương chợ Đông Ba đang rộn ràng với việc triển khai một dự án mà trước đây rất nhiều người chưa bao giờ hình dung hay tưởng tượng ra: Dự án đặt tên đường cho những lối đi trong chợ! Theo đó, các lối đi trong chợ sẽ được đặt tên đường theo số thứ tự là “Đường số 1”, “Đường số 2”, “Đường số 3”, “Đường số 4”…
Thắc mắc với bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba, rằng “Đường số 1”, “Đường số 2” là tên gọi thường thấy trong các khu công nghiệp lớn. Mình đây là cái chợ đúng nghĩa thì ngăn nắp lắm cũng chỉ đánh số lô, chứ đặt tên đường làm gì cho mất công tốn sức? Bà Thanh cười bảo: “Đó là tư duy theo nếp cũ. Quan điểm của chúng tôi thì chợ Đông Ba là một ngôi nhà chung. Mà nhà thì phải có số, phố phải có tên để dễ tìm nhau và giao dịch, nhất là trong thời buổi công nghệ số như bây giờ”.
Theo bà Hoàng Thị Như Thanh, không chỉ đặt tên đường, tới đây, Ban quản lý chợ Đông Ba còn vẽ sơ đồ chi tiết chợ, dựng ở các góc đường để du khách dễ tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Đặc biệt, Ban quản lý đang xúc tiến làm bản đồ số về chợ Đông Ba trên nên tảng Hue-S để người dân dễ giao dịch và du khách tìm đến lô, quầy trong chợ dễ hơn khi có sự hỗ trợ của điện thoại thông minh. “Cũng như nhiều ngôi chợ truyền thống khác trên cả nước, thời gian gần đây, chợ Đông Ba cũng bị ảnh hưởng rất lớn về lượng khách do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của những sàn thương mại điện tử. Cho nên, việc đặt tên đường và số hóa sơ đồ chợ trên nền tảng Hue-S còn là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm tạo một môi trường thuận lợi, hấp dẫn nhằm giữ chân, thu hút người dân và du khách đến tham quan, mua sắm ở chợ”, bà Thanh cho biết.
Cũng như mọi lần, dự án đặt tên đường và số hóa chợ Đông Ba lần này của Ban quản lý chợ Đông Ba được tiểu thương trong chợ rất đồng tình, ủng hộ. “Tui buôn bán ở chợ Đông Ba năm ni là được 45 năm, đã qua rất nhiều đời trưởng ban quản lý nhưng chưa bao giờ thấy ngôi chợ có những thay đổi theo hướng tốt đẹp, văn minh như bây giờ. Đặc biệt, việc đặt tên đường như thế này là lần đầu tiên diễn ra. Ban đầu, tiểu thương trong chợ cũng không hiểu lắm lý do vì sao phải đặt tên đường; nhưng tiểu thương chúng tôi tin vào quyết định của chị Thanh. Chắc chắn chị Thanh sẽ làm cho bộ mặt của chợ đẹp và hiện đại hơn trước…”, bà Nguyễn Thị Minh Tính, tiểu thương ở chợ Đông Ba tâm sự.
Không còn là “điểm xấu” về văn hóa của Huế
Còn nhớ thời điểm tháng 11 của năm 2022, khi trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế nhận xét, thật ra là thừa nhận một thực tế khá cay đắng. Rằng, chợ Đông Ba thời điểm đó bị xuống cấp một cách khá nặng nề từ hạ tầng lẫn cho đến văn hóa, cách thức kinh doanh. Đặc biệt là tình trạng khách du lịch khi vào đến chợ thì bị chặt chém, nói thách giá, móc túi… Những điều này đã và đang biến chợ Đông Ba trở thành một trong những “điểm xấu” về văn hóa của thành phố Huế. “Chợ Đông Ba từng là một thành trì để bảo vệ các giá trị văn hóa Huế được lưu giữ và phát triển. Đã có nhiều thời điểm, bước vào chợ Đông Ba, du khách có thể hình dung được phần nào văn hóa và con người Huế qua hình ảnh của những tiểu thương. Vậy nên chúng tôi quyết tâm làm sao để hình ảnh chợ Đông Ba được thay đổi, chợ thể hiện được các giá trị văn hóa Huế, để chợ Đông Ba là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế, cũng như người Huế xa nhà trở về quê hương”, ông Phan Thiên Định nói.
Và trọng trách thay đổi đó được Thành ủy Huế đặt lên vai bà Hoàng Thị Như Thanh, trước đó là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Huế với rất nhiều kỳ vọng. Bà Hoàng Thị Như Thanh đã coi việc mình được Thành ủy điều từ Liên đoàn Lao động thành phố về chợ Đông Ba là một sự “về nhà”. Và “khi đã coi chợ Đông Ba là nhà mình thì cái gì xấu xí, xuống cấp, hư hỏng thì mình sẽ bỏ công sức, tiền của ra để cải tạo lại. Cái gì đang tốt, đang hay thì tiếp tục phát huy để nó tốt, hay hơn nữa”. Với triết lý này, bà Thanh đã tỉ mẩn, kiên trì, nhẫn nại… để lên kế hoạch, vận động, “to nhỏ” với tiểu thương trong chợ để từng bước làm “cách mạng”. Mà gần nhất, trước dự án đặt tên đường là việc treo thưởng 500 ngàn đồng cho người dân, du khách nếu họ phát hiện và báo có bằng chứng cho Ban quản lý chợ về tình trạng “chặt chém”, hét giá…
Chị Nguyễn Mai Hương, một người Hà Nội đang sinh sống tại Đà Nẵng. Là người có sự yêu thích có thể nói là vô cùng đặc biệt với Huế nên gần 5 năm nay, chị đi về giữa Huế - Đà Nẵng như con thoi và thường chị hay dành chút thời gian “ghé chợ Đông Ba chỉ để ăn gì đó, mua gì đó bất kỳ” rồi về. Chị nói “nếu so sánh thời điểm trước dịch COVID-19 và bây giờ thì chợ Đông Ba có thể nói là lột xác đúng nghĩa và đó là một sự lột xác đến khó tin”. Chị Hương bảo mình may mắn hơn rất nhiều người khi từng là nhân chứng của một chợ Đông Ba xập xệ, nhếch nhác với những “bê bối” về nói thách, mắng chửi, trộm cắp, móc túi… Và bây giờ là một chợ Đông Ba sạch đẹp, ngày một văn minh và hiện đại. “Tôi đã la cà ở rất nhiều chợ truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng có thể khẳng định là chợ Đông Ba đang ăn đứt phần còn lại”, chị Hương khẳng định.
Câu chuyện đặt tên đường, số hóa trên nên tảng Hue-S và hành trình xóa “điểm xấu” về văn hóa của chợ Đông Ba cho đến thời điểm này, có thể nói là minh chứng hùng hồn nhất cho slogan “Huế luôn luôn mới”.