Mỏ đá Phong Xuân (Phong Điền) giai đoạn 2 vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng 

Mỏ đá vôi Phong Xuân được đưa vào khai thác từ năm 2014, với tổng diện tích 2 giai đoạn là hơn 90ha. Trong đó, giai đoạn 2 có diện tích khoảng 35ha với hiện trạng chỉ còn đất và cây trồng do nhà cửa đã được di dời cùng với giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến nay tiến độ đền bù, GPMB tại mỏ đá vôi đoạn 2 vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến sản xuất của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm cũng như người dân trên địa bàn.

Cụ thể, giai đoạn 2 mỏ đá vôi Phong Xuân dù đã được UBND huyện Phong Điền ra thông báo thu hồi đất và triển khai thực hiện từ ngày 18/2/2021 (thông báo số 19/TB-UBND ngày 18/2/2021), nhưng đến nay công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành.

Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Phong Xuân cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, mỏ đá vôi Phong Xuân giai đoạn 2 vẫn còn vướng mắc mặt bằng của 11 hộ có lăng mộ chưa đồng ý nhận tiền theo phương án phê duyệt của UBND huyện Phong Điền và các chính sách hỗ trợ bổ sung thêm của Đồng Lâm.

Cụ thể, đối với phần lăng, mộ đến hết ngày 19/3/2024 đã vận động chi trả được 37/48 hộ dân (tương đương 104/133 lăng mộ), còn lại 11/48 hộ (tương đương 29/133 lăng mộ) thì vẫn chưa đồng ý nhận tiền.

Phần cây trồng, đất đai thì đã phê duyệt được 39/58 hộ, trong đó chi trả cho 10/39 hộ dân. Trong 29/39 hộ này, trong tháng 2/2024 đã tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân, đa phần các hộ dân có kiến nghị cần chi trả đền bù cả phần cây trồng thêm ngoài quy định.

Dự kiến Trung tâm Phát triển quỹ đất Phong Điền (TTPTQĐPĐ) và UBND xã Phong Xuân tổ chức họp xem xét phương án giải quyết, xử lý với 29 hộ này vào cuối tháng 3/2024. Sau khi lập bổ sung phương án đền bù cho 19/58 hộ chưa được lập phương án đền bù để lấy ý kiến thống nhất một lần, tránh tình trạng họp nhiều lần người dân có nhiều ý kiến khác nhau.

Còn với phần cây trồng thì hiện mới chỉ có 10 hộ dân nhận tiền đền bù cây trồng, còn lại 29 hộ chưa nhận tiền theo giá trị phê duyệt. Ngoài ra, 19 hộ chưa được TTPTQĐPĐ lập và niêm yết phương án đền bù (do chờ hệ số giá đất năm 2024 của UBND huyện Phong Điền xác định công bố).

Ngoài hỗ trợ, đền bù theo khung giá quy định của Nhà nước, Đồng Lâm có những chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ dân có lăng, mộ di dời trong giai đoạn 2 mỏ đá vôi. Theo đó, đối với việc hỗ trợ xi măng cho 65 hộ dân có lăng mộ đã được phê duyệt đợt 2 theo quyết định phê duyệt số 5706/QĐ-UBND ngày 3/11/2022 của UBND huyện Phong Điền (mức hỗ trợ là 0,5 tấn/cái đối với mộ đất; 1,5 tấn đối với mộ xây, và 3 tấn đối với lăng xây; chi phí vận chuyển là 150.000 đồng/tấn và quy đổi sang xi măng).

Cụ thể, tổng khối lượng xi măng hỗ trợ di dời lăng mộ đợt 2 là hơn 109 tấn, loại xi măng PCB30, bao 50kg. Trong đó, khối lượng xi măng hỗ trợ cho các hộ dân di dời lăng mộ đợt 2 - giai đoạn 2 mỏ đá vôi Phong Xuân (di dời 65 lăng, mộ của 23 hộ dân) là 99,5 tấn, loại xi măng PCB30, bao 50kg; hỗ trợ cước vận chuyển và bốc xếp xi măng đến các địa điểm 150.000 đồng/tấn, tương đương 14,9 triệu đồng cho 99,5 tấn xi măng (chi phí đã bao gồm thuế VAT).

Quy đổi thành xi măng PCB30, bao 50kg là 9,95 tấn (giá quy đổi tính theo đơn giá xi măng PCB30 bao 50kg tại nhà máy là 1.500.000 đồng/tấn). Nhà phân phối là cửa hàng vật liệu xây dựng Phan Công Luận, xã Phong Xuân được thụ hưởng 9,95 tấn xi măng và chịu trách nhiệm vận chuyển, bốc xếp xi măng theo khối lượng.

Mức hỗ trợ thuê máy xúc sửa chữa đường, cất bốc mộ là 2.800.000 đồng/ca (bao gồm cả chi phí thuê xe di chuyển cho máy xúc), chi phí hỗ trợ căn cứ vào số ca máy mà thôn thuê hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện đào, cất, bốc, di dời lăng mộ (có biên bản xác nhận của các hộ dân, chính quyền thôn, UBND xã Phong Xuân và giám sát mỏ Đồng Lâm)…

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm thông tin, quan điểm của Đồng Lâm là giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong đó ưu tiên lợi ích của người dân và cũng phải làm rõ các trường hợp người dân cố tình vi phạm quy định pháp luật trong công tác đền bù, GPMB.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa khẳng định, thời gian tới, Đồng Lâm tiếp tục thực hiện các giải pháp kỹ thuật nổ mìn nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người dân.

Đồng Lâm phối hợp xã Phong Xuân thành lập tổ giám sát nổ mìn, sau mỗi bãi nổ, tổ giám sát sẽ lập biên bản đánh giá, ghi nhận tình trạng nổ mìn có để khói bụi bay về phía dân cư hay không. Nếu để khói bụi bay ra dân cư sẽ xử phạt nhà thầu 10.000.000 đồng/lần (chi phí này gửi về cho chính quyền địa phương để chi trả hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị ảnh hưởng).
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN