Cuốn sách “Theo đường xuất bản theo đường văn” của tác giả Nguyễn Duy Tờ 

Hơn 80 bút ký, cũng là chừng ấy nhân vật được ông khắc họa theo một cách rất riêng. Họ là nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả, lương y… Những con người từng có những mối quan hệ gắn kết cùng Nhà xuất bản Thuận Hóa, nơi ông đang công tác. Có người ông thân quen, có người ông chỉ may mắn đôi ba lần gặp gỡ, có người ông chưa một lần gặp nhưng luôn mang trong lòng sự mến mộ, kính trọng của một hậu bối đối với tiền nhân. Tác giả bộc bạch rằng, ông không viết chân dung tác giả, ông chỉ trao gửi những điều cảm nhận về kỷ niệm, về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả mà ông được biết với một sự trân quý và đầy yêu mến.

“Theo đường xuất bản theo đường văn” được ông kể bằng chất giọng mộc mạc, tựa như lời tâm tình bên chung trà nghi ngút khói giữa một chiều mưa lay bay nào đó ở xứ Kinh kỳ. Qua từng trang sách, người đọc một lần nữa gặp lại những con người rất đỗi quen thuộc nhưng đã góp phần xây dựng nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giáo dục… cho đất nước. Họ hiện ra bình dị, gần gũi và đầy chân thật.

Đó là câu chuyện uống rượu ngâm thơ đầy thú vị của nhà thơ Phùng Quán trong một lần về trường đại học đọc thơ cho sinh viên nghe. Bình trà trên bàn của nhà thơ rất đặc biệt, thay vì nước trà bên trong lại đựng đầy rượu. “Nhà thơ Phùng Quán vào cuộc đọc thơ như cá gặp nước. Thỉnh thoảng ông rót “trà” chíp một cái, gương mặt tươi rói, không có biểu hiện gì khi gặp “đồ cay”. Càng chíp, ông nói thơ, đọc thơ càng hay; giảng viên, sinh viên vỗ tay rào rào”.

Đó là hành trình tác giả tìm về Hà Nội để gặp nhà thơ Tố Hữu, với mong muốn được làm bộ sách về ông. “Một buổi chiều mùa thu Thủ đô năm 1994, tôi đeo chiếc túi xách nhỏ cuốc bộ tìm tới “Ngôi nhà Cây táo ông Lành” trên đường Phan Đình Phùng rợp bóng mát những cây sấu cổ thụ xanh mướt, mang theo kỳ vọng và ước nguyện làm bộ sách Tố Hữu - Tác phẩm. Vọng gác ở đầu ngõ có anh bảo vệ túc trực. Tôi xin vào, ngước mắt tìm “Cây táo ông Lành, cây hồng (nhà anh có một cây hồng - Quả so nhún nhẩy đèn lồng cành tơ). Cây vẫn xanh tươi nhưng chưa tới mùa cho quả”. Bao nhiêu niềm ngưỡng mộ, luyến lưu đối với nhà thơ, người chiến sĩ cách mạng, người con ưu tú của quê hương xứ Huế cứ thế in dấu mãi trong lòng tác giả. Là kỷ niệm một chiều ghé về thăm nhà giáo sư Vũ Khiêu ở Hà Nội để xin xây dựng nội dung cuốn sách Trí thức Việt Nam thời xưa. Một nhà giáo lão thành, một trí thức lớn của đất nước, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, ở tuổi ngoài 90 vẫn giữ nguyên phong thái sang trọng nhưng cũng vô cùng cởi mở, ấm áp đã lưu lại những tình cảm đẹp. Rồi cuộc gặp gỡ cùng nhạc sĩ Trần Hoàn vào mùa hè năm 1994 khi ông ra Hà Nội xin giấy phép cho Tạp chí Huế xưa và nay; là kỷ niệm thân thương, bình dị cùng bác Vương Hồng, người xây đắp nền móng NXB Thuận Hóa những ngày đầu mới thành lập.

Mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi một con người, có những con người tác giả chỉ được “gặp” qua những trang sách, trên những bản thảo lớn mà họ để lại cho thế hệ sau như cụ Bửu Kế. Để rồi với lòng ngưỡng mộ, sự kính ngưỡng đối với người trí thức xuất thân từ hoàng tộc, tác giả đã “tìm đường xuất bản” cho bộ bản thảo đồ sộ mà mình có cơ duyên được quản lý.

“Theo đường xuất bản theo đường văn” cũng phần nào giúp người đọc hiểu thêm về công việc xuất bản sách. Để mỗi khi chúng ta được cầm trên tay một cuốn sách đẹp, một cuốn sách hay, lòng lại càng thêm trân trọng những nỗ lực của những người làm sách khi dành biết bao tâm huyết để đưa tác phẩm đến với đông đảo bạn đọc.

Lê Hà