Thế giới cần chuẩn bị tốt để ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Ảnh minh họa: CNN/qdnd

Hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu từ tất cả các châu lục và lĩnh vực chính trị, kinh tế và quản lý y tế, trong đó có 23 cựu Tổng thống, 22 cựu Thủ tướng, cựu Tổng thư ký LHQ và 3 người đoạt giải Nobel vừa đưa ra một bức thư ngỏ chung kêu gọi đẩy nhanh tiến độ trong các cuộc đàm phán hiện tại nhằm đạt được Hiệp định Đại dịch - thỏa thuận đa phương đầu tiên trên thế giới về chuẩn bị và phòng ngừa đại dịch.

“Một hiệp định về đại dịch là rất quan trọng để bảo vệ tương lai chung của chúng ta. Chỉ có một hiệp định toàn cầu mạnh mẽ về đại dịch mới có thể bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi sự lặp lại của cuộc khủng hoảng COVID-19 vốn đã khiến hàng triệu người tử vong và gây ra sự tàn phá kinh tế và xã hội trên diện rộng, đặc biệt là do sự hợp tác quốc tế không đầy đủ”, các nhà lãnh đạo viết rõ trong lá thư chung.

Trong thảm họa COVID-19 đã chính thức cướp đi sinh mạng của 7 triệu người và “thổi bay” 2.000 tỷ USD khỏi nền kinh tế thế giới, các cuộc đàm phán liên chính phủ nhằm đạt được thỏa thuận quốc tế về việc chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai đã được bắt đầu vào tháng 12/2021 giữa 194 trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đã tự đặt ra thời hạn tháng 5/2024 sẽ đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đại dịch đầu tiên trên thế giới và hiện vòng đàm phán lần thứ 9 của hiệp định đang diễn ra trong tuần này và tuần tới.

Tại vòng đàm phán, các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng một mối đe dọa đại dịch mới sẽ xuất hiện; không có lý do gì để không sẵn sàng đương đầu. Do đó, điều bắt buộc là phải xây dựng một cách tiếp cận hiệu quả, đa ngành và đa phương để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. “Vì tính chất khó lường của các rủi ro sức khỏe cộng đồng, một chiến lược toàn cầu phải thể hiện tinh thần cởi mở và toàn diện. Không có thời gian để lãng phí, đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia tăng gấp đôi nỗ lực để hoàn thành hiệp định trước thời hạn tháng 5/2024”, các đại biểu nhấn mạnh.

Theo WHO, ngoài việc bảo vệ vô số sinh mạng và sinh kế, việc đưa ra kịp thời một hiệp định về đại dịch toàn cầu sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng ngay cả trong thế giới bị chia cắt và rạn nứt, hợp tác quốc tế vẫn có thể mang lại giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ WHO)