Các bãi biển Huế đẹp nhưng chủ yếu chỉ thu hút khách đến tắm và ăn uống thông thường |
Để bớt đơn điệu
Nhắc đến du lịch biển, ở Huế có vô vàn bãi biển đẹp để khoe với khách. Với 120km đường bờ biển, ngoài những bãi biển ở Lăng Cô, Thuận An đã quá quen thuộc với số đông người dân và du khách, thì nhiều bãi biển khác ở Huế cũng thuộc top không nên bỏ qua khi khách đến Huế. Trong đó, phải kể đến biển Hàm Rồng, Cảnh Dương, Tân Cảnh Dương, Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương… Nhiều du khách khi đến tắm biển ở Huế từng chia sẻ: “Biển ở Huế sạch và đẹp, thế nhưng lại chưa quá nổi bật so với Đà Nẵng, Nha Trang. Ngoài khâu quảng bá, có lẽ cần bổ sung dịch vụ để du lịch biển bớt đơn điệu”.
Đánh giá của du khách đúng với Huế, nhưng đó cũng là câu chuyện chung của nhiều địa phương đang khai thác du lịch biển. Vào hè, du lịch biển được khởi động trở lại, nhưng điều dễ nhận thấy là còn thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển như các nước trong khu vực. Ngoài những địa phương đã định hình được thương hiệu du lịch biển như Đà Nẵng, Côn Đảo, Nha Trang… thì hiện nay, hầu hết hoạt động du lịch biển ở các địa phương khác nổi trội vẫn là tắm biển và ăn uống thông thường.
Kinh tế biển có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó có du lịch biển. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư, phát triển du lịch biển xứng tầm là điều cần làm. Bài toán nguồn thu cho du lịch không quá quan trọng ở số lượng khách đến tắm biển, ăn uống thông thường mà chỉ khi họ chi tiền thụ hưởng các dịch vụ, sản phẩm du lịch biển thì du lịch biển mới thực sự khẳng định được sự đóng góp của mình.
Theo anh Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đại Bàng, ngoài các chương trình team building trên biển, dịch vụ du lịch biển nhìn chung còn nghèo, đơn điệu các hoạt động phụ trợ. Khách tham gia du lịch biển chưa được trải nghiệm nhiều, chưa có các hoạt động thể thao trên biển, các chương trình về đêm. Bên cạnh đó, cũng ít có tour đi các điểm lân cận. Đây là điểm mà du lịch biển ở Huế còn thiếu nếu muốn tạo sức hấp dẫn với du khách.
Chị Ngô Thị Hoài An, một du khách ở Gia Lai cũng chia sẻ: “Mình ở vùng cao nên cũng muốn khám phá du lịch biển. Tắm biển hay ăn uống hải sản thì ở địa phương nào cũng có. Nhưng các hoạt động lễ hội, tour khám phá, trải nghiệm hầu như vắng bóng khi đến Huế”.
Cần có thêm dịch vụ bổ trợ
Nhìn xa sang các nước, những nơi đã định hình được thương hiệu “thiên đường biển, đảo” như Hawaii, Maldives hay gần hơn là Thái Lan với Pattaya, có thể thấy, cách khai thác sản phẩm du lịch biển của họ không đơn điệu. Điển hình như ở Pattaya, những hoạt động giải trí, vũ hội về đêm đã làm nên đặc sản trứ danh cho thành phố ven biển này. Việc chú trọng về lễ hội biểu diễn, sử dụng dàn vũ công chuyên nghiệp và sự đa dạng dịch vụ phụ trợ đã khiến “thành phố không ngủ” này trở thành “điểm nóng” mới trong những thiên đường du lịch biển nhiều năm qua.
Tất nhiên, để định hình được những thương hiệu như thế cần sự đầu tư rất lớn về mọi mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, các dịch vụ, với sự tham gia của các nhà đầu tư để có những dự án xứng tầm. Tuy nhiên, du lịch biển Thừa Thiên Huế nói riêng, một số địa phương nói chung có thể từng bước đa dạng hóa dịch vụ bổ trợ, bổ sung các hoạt động phụ trợ, một số dịch vụ giải trí, thể thao biển mà khách có nhu cầu như: chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền bãi biển… Đặc biệt, loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình hay bằng máy bay trực thăng đang được rất nhiều khách du lịch yêu thích.
Ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần quan tâm đến những yếu tố bản sắc riêng của địa phương được thể hiện một cách chuyên nghiệp, có sự đầu tư hợp lý sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch biển. Chẳng hạn như tại Quảng Ninh, du lịch biển được phát triển với nhiều chương trình mới lạ. Du khách được trải nghiệm các không gian: Du lịch văn hóa cộng đồng làng chài; các sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm thương cảng cổ Vân Đồn. Ngoài ra, chương trình đang được nghiên cứu phát triển như du lịch thủy cung, du lịch tàu ngầm bên cạnh du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, lễ hội truyền thống. Các mô hình du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân”, “Một ngày làm chiến sĩ”, “Hành trình biển đảo quê hương” cũng là cách hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, du lịch biển ở Huế vẫn còn thiếu các dịch vụ đẳng cấp; thiếu các điều kiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tạo sức hút với loại hình du lịch này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, ngành du lịch đang nỗ lực kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án. Sắp tới, sẽ có 2 khu nghỉ dưỡng ở Vinh Thanh và Lăng Cô đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ gắn du lịch biển với các hoạt động lễ hội ở như Lăng Cô vịnh đẹp hay sóng nước Tam Giang. Đồng thời, hình thành các bãi biển cộng đồng với không gian ẩm thực địa phương kết hợp sản phẩm OCOP, giới thiệu bản sắc văn hóa từng địa phương gắn với những câu chuyện.