Sinh viên, học sinh tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Phước Tích. Ảnh: Đ. Hiếu

Cùng với việc trở thành di tích Quốc gia, ngôi làng này đã trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch của vùng đất Cố đô. Những năm qua, có kha khá dự án đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Phước Tích, cùng với đó là các hoạt động văn hóa, sự kiện lễ hội lớn, nhỏ thường xuyên được tổ chức thu hút đông đảo du khách, nhiều dịch vụ cũng được chính quyền phối hợp với người dân khai thác… Dù chưa như kỳ vọng, nhưng với những ai từng đặt chân đến ngôi làng cổ này cũng không khỏi trầm trồ bởi cảnh sắc tuyệt đẹp, bình yên và thơ mộng đến kỳ lạ, thuộc loại “hàng hiếm” của Việt Nam.

Thông tin làng cổ Phước Tích được các cơ quan chức năng khởi động lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt khiến những ai yêu quý, quan tâm đến ngôi làng này không khỏi vui mừng nhưng cũng xen lẫn lo ngại, thách thức. Mừng vì ngôi làng này xứng đáng được xếp hạng đặc biệt, nhưng lo rồi đây khi đạt được danh hiệu ấy câu chuyện làm sao hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, quyền lợi người dân.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, việc tiến hành làm hồ sơ nâng hạng di tích quốc gia làng cổ Phước Tích trở thành di tích Quốc gia đặc biệt phải trải qua rất nhiều quy trình. Hiện đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền làm hồ sơ lý lịch trích ngang. Hồ sơ này đã được trình lên UBND tỉnh và tỉnh sẽ gửi ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến thỏa thuận chủ trương. Một khi thống nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản gửi lại cho địa phương, tiếp đó mới tiến hành các thủ tục, hồ sơ theo trình tự.

Ông Lộc cho hay, kể từ khi được công nhận di tích cấp Quốc gia, làng cổ Phước Tích đã được khai thác, bảo tồn khá tốt. Và khi được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng thêm các đề án để phát huy giá trị văn hóa của làng cổ độc đáo này, nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc ở nơi đây.

Lý lịch trích ngang đã chỉ rõ, làng cổ Phước Tích hiện vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng (đình, chùa, nhà thờ họ, đền, miếu, am), cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng. Những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, làng cổ Phước Tích đã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện chiếu sáng, điện ngầm, đường lát gạch, bãi đỗ xe du lịch. Đặc biệt, có 23/25 nhà rường được hoàn thành trùng tu, tôn tạo theo đề án “chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.

Trong khi đó, ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho hay, trước thông tin xây dựng hồ sơ để trình thăng hạng cho di tích làng cổ Phước Tích bà con dân làng rất vui mừng và ủng hộ. Trước đó đã cho họp dân làng và ai cũng đồng thuận.

Bất ngờ khi phát hiện ra

Vào năm 2002, sau khi dự hội thảo quốc gia về di sản đô thị Huế, đoàn chuyên gia của Hội Kiến trúc sư Việt Nam để về tham quan làng cổ Phước Tích. Cả đoàn mà đặc biệt là GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính – khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam tỏ ra bất ngờ trước sự giàu có về hệ thống kiến trúc truyền thống cũng như vẻ đẹp độc đáo của ngôi làng. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đưa ngôi làng này vào chương trình nghiên cứu năm 2003. Không lâu sau, một cuộc hội thảo quốc gia về làng di sản văn hóa Phước Tích tổ chức tại Huế vào tháng 3/2004, tạo nền móng để trình bộ hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia cho làng cổ bên dòng sông Ô Lâu.


NHẬT MINH