Lạm dụng túi nilon, hiểm họa đối với sức khỏe và môi trường (ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Hòa |
Tôi xin kể vài mẩu chuyện như sau và rút ra mấy điều.
Ví dụ như tôi đi ra chợ mua một lạng tôm, chị bán tôm gói cho tôi 2 bọc nhựa. Bì thứ nhất là đựng tôm, bì thứ 2 là bọc cả tôm và bọc nhựa trước. Dường như tất cả mọi loại hàng hóa bán lẻ ở chợ đều như vậy. Bán một trái dừa, cũng một bọc đựng dừa và một bọc để xách đi và có khi còn thêm ống hút nhựa. Tôi có hỏi chị bán tôm vì sao phải cần 2 bọc cho… tốn kém. Chị nói, để khách hàng khỏi bẩn tay.
Tôi không có ý nói nhận thức về tham gia bảo vệ môi trường ở môi trường chợ là kém, nhưng đó là một thực tế. Và tôi hiểu rằng, những bọc ni lông kia sau khi sử dụng sẽ đi về đâu. Chỉ một phần nhỏ được thu gom tái chế, phần còn lại sẽ thải ra môi trường mà môi trường biển là nơi hứng chịu cuối cùng. Ở chợ, cả người bán hàng và người mua hàng, tôi có cảm giác rất ít người lưu tâm đến bảo vệ môi trường. Nói đến nhận thức và ý thức là vậy. Không có ý thức về tham gia bảo vệ môi trường thì dù có hàng trăm văn bản, hàng ngàn lời kêu gọi… cũng nằm trên giấy. Lâu lâu chúng ta thấy có các hoạt động bảo vệ môi trường ở chỗ này, chỗ nọ, do người này, tổ chức kia làm nhưng nói về hiệu quả thực sự thì chưa. Cho nên, để có những hành động bảo vệ môi trường, tham gia bảo vệ môi trường phải đi từ cải thiện nhận thức. Làm thế nào để cải thiện nhận thức của số đông người dân là trách nhiệm của một loạt ban ngành, cấp quản lý có liên quan. Giờ có lẽ không nói nữa, phải có giải pháp định ra rất cụ thể.
Nhưng một môi trường văn minh thì có nhận thức ngay. Cũng là buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhưng ở siêu thị chẳng hạn, người kinh doanh và người tiêu dùng có nhận thức khác, xin khẳng định là cao hơn. Các hoạt động và cam kết góp phần bảo vệ môi trường được quan tâm ở đây. Không còn chỉ nói mà hành động cụ thể. Ví dụ như bao bì đựng hàng dứt khoát phải dễ phân hủy. Nó được làm từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường nhất. Tất nhiên so sánh giữa chợ và siêu thị, tôi biết là khập khiễng rồi, nhưng tôi còn biết một điều nữa, để cải thiện ý thức không còn cách nào khác là phải cải thiện môi trường hoạt động kinh tế và hoạt động xã hội. Xem ra, việc cải thiện này còn rất lâu, nghĩa là môi trường vẫn còn tiếp tục hứng… những gánh nặng.
Một ví dụ khác, chẳng hạn như môi trường dịch vụ du lịch. Muốn lấy tiền được của “thiên hạ” thì buộc anh trước hết phải văn minh. Ý thức bảo vệ môi trường là một trong những biểu hiện này. Trước đây ở nhiều khu dịch vụ lưu trú sử dụng nước uống để đón khách là nước đóng chai. Nhu cầu rất lớn nên chúng ta thấy trên thị trường có quá nhiều nhãn hiệu, từ nổi tiếng đến không nổi tiếng. Giờ nhiều cơ sở lưu trú không còn sử dụng như vậy nữa mà họ đã chuyển qua dùng chai thủy tinh đựng nước sôi để nguội, sử dụng nhiều lần. Một cục xà phòng nhỏ trước đây cũng bọc nhựa. Một khi nó đã xé ra thì có sử dụng hết hay không cũng đều buộc phải bỏ. Giờ nhiều cơ sở lưu trú sử dụng các bình xà phòng dùng được nhiều lần hơn. Không cần giải thích thì người tiêu dùng (người đi du lịch, lưu trú) cũng biết là hành động này, cách cung ứng dịch vụ như thế này là tham gia bảo vệ môi trường. Dù khi sử dụng, có bất tiện một tí nhưng người tiêu dùng cũng chấp nhận, hầu như không thấy ai phàn nàn. Cách làm này đưa lại nhiều cái lợi, lợi cho môi trường, tiết kiệm chi phí. Và một thông điệp nữa quan trọng – chúng ta hãy cùng sử dụng một cách văn minh. Đó là môi trường - môi trường ở chợ khác, môi trường du lịch khác.
Nói chung, muốn có ý thức cao, muốn văn minh cũng phải đi cùng với phát triển kinh tế và mặt bằng học thức. Chúng ta rồi cũng sẽ buộc phải hành động tốt với môi trường, nhưng ngày ấy… chưa biết là ngày nào. Ngày ấy xa hay gần tùy thuộc vào mỗi chúng ta.