Đường dây mua bán trái phép số lượng lớn hóa đơn cho gần 200 công ty, doanh nghiệp bị Công an TX. Hương Thủy triệt phá |
Không phải "vơ đũa cả nắm", nhưng đâu đó hiện nay vẫn còn tình trạng nhu cầu mua HĐ để thanh, quyết toán, nhất là vào dịp cuối tháng, cuối kỳ, cuối năm. Có cung ắt sẽ có cầu, đó là nhu cầu tất yếu. Nếu ngành chức năng quản lý không chặt hoặc “lơ là” thì, vấn nạn này chắc chắn vẫn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Điểm qua một vài vụ việc gần đây liên quan đến đường dây mua bán HĐ trái phép trên địa bàn tỉnh mà lực lượng chức năng phát hiện.
Mới đây, một đường dây mua bán trái phép số lượng lớn HĐ cho gần 200 công ty, doanh nghiệp (DN) với số tiền hơn 3 tỷ đồng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Dê núi Cherry (địa chỉ tại phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TX. Hương Thủy triệt phá.
Hiện, 4 đối tượng nằm trong đường dây này đã bị Công an TX. Hương Thủy bắt giữ gồm: Dương Thị Thủy Chung (SN 1987), trú tại phường An Cựu (TP. Huế); Trần Thị Hương (SN 1982), trú tại phường Hương Vinh (TP. Huế); Trương Thị Thanh Huyền (SN 1989, trú tại phường An Cựu (TP. Huế) và Nguyễn Thị Trang (SN 1980), trú tại phường Thuận Lộc (TP. Huế).
Điều tra ban đầu của cơ quan công an, từ tháng 5/2023, các đối tượng cấu kết với nhau thành lập công ty, nhưng không có trụ sở hoạt động và không kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà chỉ với mục đích để mua bán trái phép hơn 1.000 HĐ với số tiền hơn 3 tỷ đồng cho gần 200 công ty, DN trên địa bàn tỉnh để thu lợi bất chính số tiền khoảng 200 triệu đồng.
Tiếp đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cũng đã làm rõ 4 đối tượng là kế toán của các DN trên địa bàn có hành vi in, phát hành, mua bán trái phép HĐ, chứng từ. Đó là Nguyễn Thị Nhung (SN 1967) trú tại phường Tây Lộc; Phạm Thùy Dung (SN 1959), trú tại phường Phường Đúc; Lê Thị Ngọc Anh (SN 1991), trú tại phường An Hòa (TP. Huế); Châu Thị Hoài (SN 1961), trú tại phường Phú Bài (TX. Hương Thủy).
Kết quả điều tra ban đầu của lực lượng công an, do có mối quan hệ quen biết với các kế toán là Phạm Thùy Dung, Châu Thị Hoài và Lê Thị Ngọc Anh nên Nguyễn Thị Nhung đặt vấn đề nhờ những kế toán này xuất HĐ cho Công ty TNHH 1 TV Tài Phước Đức (địa chỉ tại phường Trường An, TP. Huế). Nhung thỏa thuận sẽ trả 0,1% tổng giá trị hàng hóa sau thuế trên HĐ.
Lợi dụng việc được chủ DN giao nhiệm vụ quản lý HĐ, hàng ngày xuất HĐ cho khách hàng có yêu cầu và tổng hợp xuất HĐ bán lẻ trong ngày, Phạm Thùy Dung, Châu Thị Hoài và Lê Thị Ngọc Anh cân đối số lượng bán lẻ trong ngày cho khách hàng không lấy HĐ; sau đó, lấy số lượng dư để xuất HĐ cho Công ty TNHH 1 TV Tài Phước Đức theo yêu cầu của Nguyễn Thị Nhung.
Từ tháng 4 đến tháng 12/2023, có nhiều DN đã xuất khống 243 HĐ, với tổng số tiền ghi trên HĐ hơn 4,6 tỷ đồng cho Công ty TNHH 1 TV Tài Phước Đức để công ty này kê khai chi phí đầu vào nhằm được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) hơn 400 triệu đồng. Hiện, vụ án đang được Cơ quan Công an tỉnh tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…
Với những người kinh doanh, vấn nạn này không có gì là lạ, nhưng đây là hành vi làm thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN), ảnh hưởng môi trường kinh doanh lành mạnh, làm giàu bất hợp pháp cho không ít cá nhân và DN, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể hiểu rằng, HĐ là chứng từ ghi nhận thu chi trong DN. Đây cũng là một trong những tài liệu để chứng minh khấu trừ thuế của DN.
Thực tế, mua HĐ là khá mạo hiểm và có thể coi là “hạ sách” của DN để đạt được những mục đích như trốn thuế hay ẩn giấu tài sản, tình trạng của DN mình. Một số DN đã mua HĐ để tăng chi phí. Từ đó, sẽ được giảm thuế GTGT cũng như thuế thu nhập DN.
Thủ đoạn thường thấy là, một DN mới, “sạch” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tồn tại một cách hợp pháp trên giấy tờ với trụ sở, giám đốc, ngành nghề kinh doanh… nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc cho một “ngành nghề” duy nhất – mua bán HĐ. Mua bán HĐ là hành vi trái pháp luật, ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Tùy theo tính chất, mức độ, mua bán HĐ sẽ bị xử phạt hành chính; xử lý hình sự. Căn cứ theo Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi mua HĐ để tăng chi phí có thể bị xử lý về tội trốn thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép HĐ, chứng từ thu nộp NSNN. Pháp luật cũng quy định rất rõ về hành vi mua bán HĐ GTGT khống…
Nhằm ngăn chặn hành vi này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, đảm bảo tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống HĐ điện tử, tập trung vào ứng dụng xác minh HĐ.
Bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về HĐ; tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng HĐ, chứng từ giả; sử dụng HĐ, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.