Những huyết mạch kết nối từ trung tâm TP. Huế về phía đông |
Hoàn thành các quy hoạch
Xác định tầm quan trọng và cơ hội từ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, thời gian qua Thừa Thiên Huế nhanh chóng phối hợp với cơ quan, bộ, ngành, đơn vị chức năng triển khai xây dựng các đề án, dự án trình Chính phủ.
Đến nay, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023. Bên cạnh đó là quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108 vào ngày 26/1/2024…
Hiện, tỉnh đang tập trung hoàn thành Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; hoàn thiện hồ sơ báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường và báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đối với các đô thị đã được công nhận loại đô thị trên địa bàn tỉnh; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV…
Trong các đề án, chương trình hành động phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, gần đây Thừa Thiên Huế đã, đang ưu tiên đẩy nhanh tiến độ nhiều DA quan trọng phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, nhất là các DA hạ tầng đô thị, giao thông có tính kết nối liên vùng.
Tính riêng hạ tầng giao thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ với nhiều DA trọng điểm, như: Đường ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường Phú Mỹ - Thuận An; đường phía Tây phá Tam Giang (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa)… Bên cạnh hạ tầng giao thông, tỉnh đang triển khai đồng loạt các DA chỉnh trang hạ tầng đô thị lớn, như: DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh); Cải thiện Môi trường nước TP. Huế; DA đường vành đai 3, đường Tố Hữu nối dài đến cảng HKQT Phú Bài đang hoàn thiện thủ tục để khởi công. Những công trình, DA này khi hoàn thành cơ bản sẽ kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, tạo động lực lan tỏa phát triển KT-XH liên vùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, những DA trên ra đời đã tạo thế cho Thừa Thiên Huế thoát "chiếc áo chật" để bứt phá trong tương lai gần. Hiện tại vẫn có công trình, DA trong các chương trình, đề án phát triển KTXH đang hoặc chưa triển khai vì còn vướng luật, quy hoạch vùng, phân khu, thậm chí lúng túng trong việc xác định cơ quan chủ trì xây dựng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ách tắc kéo dài. Chưa kể, quá trình khắc phục những “tồn tại lịch sử” của nhiều DA xây dựng cơ quan chức năng đã chỉ ra do nhiều nguyên nhân khiến môi trường đầu tư địa phương giảm…
Nhà máy điện rác Phú Sơn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng vừa đi vào vận hành góp phần xử lý rác thải, giải quyết tình trạng môi trường ở địa phương |
Triển vọng tăng tốc
Tất cả những khó khăn trên ở Thừa Thiên Huế sẽ được tháo gỡ sớm. Cụ thể, khi Quốc hội ban hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản mới trên các diễn đàn hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc lĩnh vực đất đai. Đơn cử, Luật Đất đai 2024 có nội dung bổ sung, sửa đổi điều về bỏ khung giá đất; bồi thường, GPMB… là một trong những nội dung ở vướng mắc lâu nay.
Khi cơ chế chính sách được tháo gỡ, quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030 định hướng đến 2050 và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065 được phê duyệt đã định hình rõ nét vị thế, tiềm năng, nhu cầu đầu tư, khai thông các không gian, các trục phát triển, trung tâm sản xuất - dịch vụ cấp vùng, quốc gia và khu vực là những cơ hội vàng để Thừa Thiên Huế bứt phá.
Nguồn lực lớn từ ngân sách Trung ương sẽ tiếp tục đến với các DA hạ tầng giao thông, thủy lợi và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy hoạch cũng như các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công, Thừa Thiên Huế nỗ lực phát huy các thế mạnh tận dụng đầu tư các nguồn khác có hiệu quả, như vốn ODA; công tư (PPP), FDI vào các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển mỗi khu vực, địa phương; trong đó yếu tố môi trường, sản xuất xanh, sạch được chú trọng hàng đầu. Trong câu chuyện này, các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở phải đồng hành, cải thiện môi trường thu hút đầu tư, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó cũng quyết liệt hơn trong rà soát, kiên quyết thu hồi các DA chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư không theo đúng quy định.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và tăng tốc sau đại dịch COVID-19. Trong đó, Thừa Thiên Huế đang tăng tốc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để tạo nhiều cơ hội lý tưởng cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Bởi, khi Thừa Thiên Huế đã có quy hoạch tốt và môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch với tinh thần đồng hành thật sự thì các nguồn lực FDI và các tập đoàn kinh tế lớn chắc chắn sẽ không bỏ qua.
Những nguồn lực mang đến cơ hội và cả áp lực cho địa phương, nhất là áp lực về tốc độ tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2030. Hy vọng vùng đất Cố đô Huế biến áp lực thành những hành động quyết liệt cho mục tiêu mới hiệu quả.