Tổ chức trải nghiệm ngành đào tạo đang được nhiều trường triển khai (Học sinh Quảng Trị làm giấy từ rơm tại Trường đại học Khoa học Huế) |
Mở rộng địa bàn tư vấn
Để tăng khả năng thu hút thí sinh, lần đầu tiên, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đón gần 100 học sinh đến từ Trường THCS&THPT Bến Quan, tỉnh Quảng Trị vào tham gia chương trình trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp. Vượt quãng đường hơn 100km, các học sinh lần lượt được trải nghiệm chế tạo xe tự động dò đường và trải nghiệm lập trình điều khiển hệ thống nhúng; làm MC truyền hình tại hệ thống trường quay ảo; làm xà phòng thơm; trải nghiệm kiến tạo hành tinh xanh; đặc biệt là trải nghiệm tại rừng ngập mặn Rú Chá, tìm hiểu thêm về công việc của một cán bộ công tác trong lĩnh vực môi trường.
Ban Giám hiệu Trường THCS&THPT Bến Quan đánh giá, trải qua thời gian gần 12 năm học tập, đây chính là thời điểm để các em lựa chọn ngành và môi trường học tập. Sự lựa chọn phù hợp sẽ quyết định cho tương lai của các em sau này. Vì vậy, việc đưa học sinh từ Quảng Trị vào Huế trải nghiệm học tập thực tế, giúp học sinh hiểu một cách đầy đủ về nhiều ngành học. Từ đó, có thể lựa chọn các ngành phù hợp với năng lực bản thân.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, năm 2024, nhà trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT và đón các học sinh đến trải nghiệm tại nhà trường cho tất cả 35 trường THPT trong và ngoài tỉnh, tăng 30% so với năm 2023. Cũng riêng năm nay, lần đầu trường tổ chức đưa các học sinh ngoại tỉnh đến trải nghiệm trực tiếp. Ngay đầu năm 2024, trường đã ký kết hợp tác với các trường THPT, các trung tâm thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. Trong kế hoạch, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng sang các tỉnh, thành có sinh viên đang lựa chọn trường làm nơi học tập, như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam… Mục tiêu là giúp nhà trường tăng khả năng thu hút người học.
Học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh trải nghiệm ngành nghề đào tạo tại Trường đại học Nông Lâm |
Năm 2024, Trường đại học Luật, Đại học Huế tuyển sinh 1.400 chỉ tiêu, tăng 400 chỉ tiêu so với năm 2023. Theo Trường đại học Luật, sự cạnh tranh thu hút người học đang rất lớn giữa các trường với nhau, nên nhà trường không thể ngồi yên đợi chờ người học tìm đến mà phải chủ động đi tìm. Để đảm bảo tuyển đầu vào, từ tháng 2/2024, hàng chục giảng viên được phân công, tỏa đi khắp khu vực miền Trung - từ Thanh Hóa vào tận Phú Yên, để tư vấn tuyển sinh, thu hút người học.
Tại Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, không khí chuẩn bị cho mùa tuyển sinh mới cũng tất bật. Đặc biệt là sau khi trường này ký hợp tác với ngành giáo dục Quảng Trị và Quảng Bình để kết nối hướng nghiệp cho học sinh 52 trường THPT tại hai tỉnh. Việc kết nối giúp đôi bên cùng phát triển, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
PGS.TS. Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế cho rằng, khi nền kinh tế và xã hội đang trải qua những biến động mạnh mẽ, mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho học sinh một hành trang kiến thức và kỹ năng phù hợp. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học sẽ đảm bảo các em học sinh sẽ có những cơ hội tìm kiếm môi trường đại học tốt nhất, tiền đề để các em bước chân vào thế giới lao động. Kết nối các trường THPT tốt, trường sẽ tiếp xúc sớm với thí sinh tiềm năng, giúp công tác tuyển sinh hiệu quả.
Tăng giá trị học bổng đầu vào
TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế thông tin, tuyển sinh toàn Đại học Huế năm 2024 là gần 15.000 chỉ tiêu. Con số này không có nhiều thay đổi so với năm 2023. Thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là lúc mà các trường “tăng tốc” triển khai giải pháp thu hút người học. Các trường có tuyển sinh thi năng khiếu đã bắt đầu mở đăng ký thi. Công tác chuẩn bị cho thi đánh giá năng lực đầu tiên tại Đại học Huế đã sẵn sàng. Các ngành, chuyên ngành đào tạo mới đã xây dựng xong chương trình đào tạo và gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để đào tạo.
Cạnh tranh trong tuyển sinh đang lớn, nhất là ở các trường “top” khá trở xuống. Vì vậy, một giải pháp được nhiều trường triển khai là tăng nhiều suất học bổng hấp dẫn để thu hút thí sinh. Đặc biệt là ở những trường tự chủ mức 1 và 2.
Năm 2024, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế dành khoảng 10 tỷ đồng cấp học bổng tuyển sinh, tài năng và học bổng khuyến khích học tập. Những thí sinh đạt điểm tuyển sinh từ 27 điểm trở lên sẽ nhận học bổng toàn phần trị giá 100% học phí theo ngành trúng tuyển trong học kỳ đầu tiên; từ 25 đến dưới 27 điểm sẽ nhận học bổng toàn phần trị giá 50% học phí theo ngành trúng tuyển trong học kỳ đầu tiên. Bên cạnh đó, trường cũng dành nhiều suất học bổng tài năng dành cho sinh viên trúng tuyển vào chương trình cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến và chương trình có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra còn cấp nhiều suất học bổng khuyến khích học tập và học bổng doanh nghiệp, các nhà tài trợ khác.
PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường đại học Luật, Đại học Huế cho biết, cùng với công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024, trường còn công bố hình thức khen thưởng và các mức học bổng được đánh giá là cao nhất Đại học Huế hiện nay. Đối với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thủ khoa được khen thưởng 30 triệu đồng, á khoa được khen thưởng 20 triệu đồng; thí sinh có điểm thi từ 27 điểm trở lên sẽ nhận học bổng tương đương 30 triệu đồng; thí sinh có điểm thi từ 25 điểm trở lên nhận học bổng tương đương 15 triệu đồng; sinh viên được xét tuyển thẳng theo quy định của trường sẽ nhận mức học bổng tương đương 7 triệu đồng hoặc 15 triệu đồng.