Lao động sản xuất tại Công ty CP Dệt may Phú Hòa An |
Được lựa chọn đơn hàng
Thời điểm này, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, khu công nghiệp (KCN) Phú Đa đã ký kết được đơn hàng đến cuối năm, trong đó chủ yếu là đơn hàng sở trường, giá cả hợp lý. Ông Phạm Gia Định, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú chia sẻ: Năm 2023, lượng đơn hàng ít, dù giá đơn hàng thấp, công ty cũng buộc phải chấp nhận để tạo việc làm, giữ chân người lao động. Bắt đầu từ tháng hai năm nay, thị trường ấm dần, lượng khách hàng chủ động tìm đến công ty đặt hàng tăng lên. Không chỉ ký được đơn hàng sở trường, công ty còn được đàm phán, lựa chọn những đơn hàng giá cao, thuận lợi cho công ty. “Hy vọng những đơn hàng này sẽ giúp công ty tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, bù đắp mức suy giảm trước đó”, ông Định tin tưởng.
Hiện, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú đang bố trí tăng ca cho toàn bộ gần 1.500 công nhân với thời gian từ 1 đến 1,5 tiếng mỗi ngày. “Chúng tôi tổ chức tăng ca vừa để đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng của khách hàng, vừa tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động”, ông Định nói.
Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho biết, hiện tại đơn hàng xuất khẩu ngành may của công ty đã có đến tháng 6/2024. Trong đó, tỷ lệ đơn hàng FOB chiếm hơn 50%. Cùng với đó, thị trường sợi cũng đã có sự tăng nhẹ về nhu cầu và giá bán so với năm 2023. Các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, các công ty sản xuất vải và may mặc FDI bắt đầu có nhu cầu mua hàng trở lại. “Đây là nền tảng để công ty tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu doanh thu 1.920 tỷ đồng, chia cổ tức 30%, thu nhập bình quân người lao động đạt 9 triệu đồng/người/tháng trong năm 2024”, ông Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Không chỉ ngành dệt may, các DN xuất khẩu thuộc các lĩnh vực khác như thủy sản, gỗ, gạch không nung… đơn hàng cũng có nhiều khởi sắc. Ông Rachata Inthaworn, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, chi nhánh Huế KCN Phong Điền cho biết, ngay từ cuối năm 2023, công ty đã có đơn hàng cho những tháng cuối năm 2024. Hiện công ty đang tập trung sản xuất thêm một số mặt hàng mới phục vụ thị trường xuất khẩu. Theo ông Rachata Inthaworn, năm qua công ty sản xuất trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung, song giá trị xuất khẩu vẫn đạt 58 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra. Lấy động lực đó, năm nay công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, đề ra mục tiêu vượt 30% kế hoạch năm.
Thách thức tiềm ẩn
Mặc dù đơn hàng xuất khẩu đã phong phú, tuy nhiên các DN, chuyên gia cũng khá dè dặt, thận trọng khi nhận định về triển vọng lạc quan trong thời gian tới. Lý do được đưa ra là hoạt động xuất khẩu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn còn biến động.
Lao động sản xuất tại Công ty sản xuất gạch Hoa Mặt Trời |
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế Nguyễn Văn Phong, mặc dù có sự khởi sắc trong giai đoạn đầu năm, tuy nhiên, thị trường sợi năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, phụ thuộc lớn vào tình hình giá nguyên liệu đầu vào và đang chịu tác động từ các nhà đầu tư và sự kiện địa chính trị. Do xung đột tại khu vực Biển Đỏ khiến giá vận chuyển các tuyến đi châu Âu vẫn tăng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn 3-5 tuần so với trước đây làm tăng chi phí, gây khó khăn trong việc lấy booking tàu và ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển nguyên liệu sản xuất sợi. Đơn hàng của ngành may trong 6 tháng cuối năm 2024 vẫn chưa có thông tin rõ ràng. “Tình hình thị trường may năm 2024 có nhiều điểm bất thường và khác so với mọi năm nên công ty luôn thận trọng trong quá trình giao dịch để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Phát triển thủy sản Huế cho biết, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, công ty đã phải nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, vì vậy vừa khó chủ động nguyên liệu vừa phải chịu nhiều chi phí vận chuyển. Đó cũng là khó khăn mà Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế đang gặp phải.
Dự báo về tình hình thị trường năm 2024, ông Trần Sĩ Chương, Chuyên gia tư vấn kinh tế & chiến lược phát triển nhận định, năm nay, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Cụ thể, các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu. Song theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2024, khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do cho xuất, nhập khẩu.
“Để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, các DN cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định”, ông Trần Sĩ Chương đề nghị.
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa hai tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 180,5 triệu USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu từ xơ, sợi, dệt các loại ước đạt 32,3 triệu USD, tăng 19,5%; hàng may mặc ước đạt 83,3 triệu USD, tăng 0,6%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 26,8 triệu USD, gấp 7,2 lần.