Mô hình trồng lúa sạch không bón thuốc BVTV hóa học ở Lộc An, Phú Lộc |
Một con số từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bình quân mỗi năm ở Thừa Thiên Huế đã dùng khoảng 200 tấn thuốc BVTV; trong đó trên cây lúa khoảng 160,35 tấn, rau màu và cây trồng khác khoảng 39,65 tấn. Với số thuốc trên thì lượng bao bì, chai lọ chiếm khoảng 10%, tương đương khoảng 20 tấn rác độc hại thải ra môi trường/năm.
Hiện nay còn khá nhiều người dân sử dụng thuốc BVTV chưa đảm bảo yêu cầu, không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng thời điểm; đúng cách), không theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật.
Nhiều lần theo đoàn chức năng kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, như Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà... nhận thấy việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng chưa thực hiện theo đúng quy định. Nhiều nông dân vẫn vứt xả trên bờ đê, bờ ruộng, dưới lòng kênh, hói gây ảnh hưởng đến tâm lý chung và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT).
Bên cạnh những hạn chế nói trên, hiện nay đã có nhiều địa phương, HTX tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV, phân bón hợp lý; phối hợp với đoàn thể địa phương vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, thu gom, tập kết bao bì đựng phân bón, vỏ chai thuốc BVTV trên đồng ruộng.
Theo lãnh đạo xã Quảng Thành (Quảng Điền), hiện nay với các nguồn hỗ trợ, tại các xứ đồng ở địa phương đã xây dựng hơn 100 thùng đựng rác thải, chai lọ, bao bì thuốc BVTV, phân bón. Cuối vụ thu hoạch, các HTX, hội nông dân địa phương tổ chức phát động thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng nhằm giảm thiểu nguy cơ ÔNMT… Cũng theo cách làm này, hiện các địa phương, như huyện Quảng Điền, Phú Vang… đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt, tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” và tăng giảm hạn chế lạm dụng thuốc BVTV và tăng diện tích gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Tuy nhiên theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, hiện nay các mô hình, diện tích gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ ở các địa phương vẫn chưa nhiều. Để nhân rộng các mô hình này cần có sự hỗ trợ từ các ban, ngành chức năng để người dân hiểu, làm đúng khi sử dụng thuốc BVTV, trong đó đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp người dân quan tâm tiếp cận các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, độ độc cấp tính thấp…
Mới đây vào chiều 26/3 tại hội thảo khoa học "Chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất BVTV trong nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế" do Sở KH&CN phối hợp với Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế) tổ chức, nhiều chuyên gia đã nêu lên ý nghĩa việc sử dụng chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh thay thế hóa chất BVTV trong nông nghiệp. Nhiều ý tưởng, đề tài đã đề xuất các giải pháp an toàn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững không chỉ ở địa phương; trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu, sản xuất thuốc BVTV sinh học để thay thế sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh hiện nay. Với giải pháp này, chúng tôi nghĩ rất cần chính sách đồng bộ, ngoài việc truyền thông nâng cao nhận thức, sử dụng, quản lý thuốc BVTV thì câu chuyện tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc BVTV sinh học đáng lưu tâm.