Lúa bị đổ ngã nặng ở Phong Sơn |
Ông Trương Thiện ở xã Phong Sơn (Phong Điền) chia sẻ, trận dông lốc chiều qua xảy ra bất ngờ, hơn nữa với cây lúa khi xảy ra thiên tai bão, lũ, dông lốc thì khó có biện pháp nào có thể phòng ngừa, đó chưa kể không thể nào chống được. Hầu hết diện tích lúa đông xuân sắp trổ của gia đình ông Thiện bị đổ ngã gần như mất trắng.
Hiện gia đình ông Thiện đang chống đỡ cây lúa để vớt vát phần nào thiệt hại trong khả năng có thể. Tuy nhiên, rất cần sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ nông dân trong việc khắc phục các diện tích bị đổ ngã, hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Sơn thông tin, qua thống kê bước đầu, trận giông lốc từ chiều qua làm 276,5ha/564ha lúa đông xuân trên địa bàn xã bị đổ ngã. Trong đó, diện tích bị đổ ngã từ 30-70% khoảng 112ha, từ 70% đến đổ hoàn toàn là 164,5ha. Trong số diện tích bị đổ ngã, nặng nhất tại thôn Tây Sơn có đến hơn 182ha, chiếm tỷ lệ hơn 90% toàn vụ, tại thôn Tứ Chánh có 48ha, còn lại rải rác ở các thôn.
Lúa bị đổ ngã khó có thể khôi phục |
Với diện tích đổ ngã nặng khó có thể khắc phục nên có nguy cơ thiệt hại nặng. Trong số 164,5ha tại xã Phong Sơn bị đổ ngã có thể bị thiệt hại từ vài chục triệu đồng đến 45 triệu đồng/ha (tính đến khi thu hoạch). Còn đến thời điểm này, nếu không thể khôi phục được thì mỗi ha ước thiệt hại hàng chục triệu đồng chi phí phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật…
Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, đến trưa 29/3, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang tổ chức kiểm tra, rà soát và thống kê diện tích bị giông lốc làm đổ ngã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá mức độ đổ ngã hây hư hỏng, thiệt hại tại các địa phương, ngành nông nghiệp sẽ cử cán bộ đến tận đồng ruộng để hướng dẫn cụ thể cho nông dân triển khai các biện pháp khôi phục; đồng thời đề xuất, kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai cho người dân theo quy định.