Người dân đi bộ dưới thời tiết nắng nóng ở thành phố Kyoto, Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN |
Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người già, người làm việc ngoài trời và những người không có điều kiện tiếp cận với các hệ thống làm mát như máy điều hòa không khí.
Trong đó, Hội Chữ thập đỏ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã đưa ra cảnh báo trước “kẻ giết người vô hình” do nắng nóng khắc nghiệt tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, ngay sau khi Mỹ vừa trải qua mùa đông ấm nhất từ trước đến nay.
“Chúng tôi kêu gọi các Chính phủ, các xã hội dân sự, thanh niên và tất cả các bên liên quan thực hiện những bước đi cụ thể trên toàn cầu để hỗ trợ các quốc gia và cộng đồng chuẩn bị ứng phó trước tình trạng nắng nóng khắc nghiệt”, ông Jagan Chapagain, Tổng thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết.
Về phần mình, Tổng giám đốc USAID Samantha Power cảnh báo, tại Mỹ, “nắng nóng đã nguy hiểm hơn so với bão, lũ lụt và lốc xoáy cộng lại”.
“Chúng tôi đang kêu gọi các cơ quan phát triển, các tổ chức từ thiện và những nhà tài trợ khác nhận ra mối đe dọa mà tình trạng nắng nóng khắc nghiệt gây ra cho nhân loại, và tập trung nguồn lực để hỗ trợ các cộng đồng chống lại mối đe dọa đó”, bà Samantha Power nói thêm.
Nhấn mạnh những nỗ lực liên tục nhằm giải quyết vấn đề nhiệt độ khắc nghiệt, người đứng đầu USAID cho hay, cơ quan này đang hỗ trợ một chương trình xây dựng “các trường học có khả năng chống chịu với nắng nóng” ở Jordan, trong đó sử dụng các hệ thống sưởi và hệ thống làm mát thụ động, vật liệu cách nhiệt, cửa sổ lắp kính hai lớp và điều hòa không khí.
Bên cạnh đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Podesta lưu ý, những tác động của biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở những nơi vốn đã nóng như khu vực Trung Đông, mà ở châu Âu, lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, ước tính hơn 60.000 người đã tử vong trong các đợt sóng nhiệt trong năm 2022.
Ông John Podesta nói thêm: “Thông tin và dịch vụ về khí hậu, bao gồm cảnh báo sớm có thể cứu lấy mạng sống và tài sản. Tuy nhiên, 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận với những thông tin này”.
Ngoài ra, những nỗ lực khác cũng đang được thực hiện, bao gồm nỗ lực ở Freetown, thủ đô của Sierra Leone, nơi gần một triệu cây xanh đã được trồng kể từ năm 2020.