Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế. Ảnh: Gia đình cố nhạc sĩ cung cấp

 Vẫn nhớ sau 23 năm

Theo chia sẻ của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như thông lệ hằng năm, từ sáng sớm ngày 1/4, gia đình nhạc sĩ cùng bạn bè và người hâm mộ sẽ gặp nhau tại căn nhà nơi ông từng sinh sống (47C Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) để thắp nhang cho ông và sau đó viếng mộ nhạc sĩ tại nghĩa trang Gò Dưa, TP. Thủ Đức.

Tại mộ ông ở TP. Thủ Đức, một số bạn bè sẽ ở lại và dự đêm “Thao thức cùng Trịnh – 2024” với chủ đề “Trịnh Công Sơn, phiêu du một đời” cùng với những người hâm mộ đến từ khắp mọi miền đất nước, để hát với ông suốt đêm.

Trước đó, tại Huế - quê hương nhạc sĩ, tượng Trịnh Công Sơn được khánh thành ngày 28/2 tại công viên Trịnh Công Sơn (đường Trịnh Công Sơn, TP. Huế) đúng 85 năm ngày sinh của ông. Tượng được điêu khắc gia Trương Đình Quế thực hiện bằng chất liệu đồng, cao 1,7m, rộng 1,6m, dài 2,3m, do một doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh yêu nhạc Trịnh tài trợ và tặng TP. Huế.

Từ giữa tháng 3, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn” nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh và 23 năm ngày mất của ông. Trong không gian thơ mộng bên dòng Hương, những người yêu nhạc Trịnh cùng lắng lòng, chiêm nghiệm ca từ đậm triết lý của Trịnh, để cùng ngẫm về phận đời, phận người qua những ca khúc quen thuộc: Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Huyền thoại mẹ, Một cõi đi về, Hạ trắng, Diễm xưa, Quỳnh hương, Ướt mi… Sau 23 năm rời cõi tạm, âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục lan tỏa và nối kết mọi người.

 Chương trình nghệ thuật “Chiều trên quê hương tôi” vào dịp dựng tượng nhạc sĩ thu hút đông đảo người yêu nhạc Trịnh tham dự. Ảnh: Gia đình cố nhạc sĩ cung cấp

Vào tháng 4, phòng trà Hoàn Kiếm, một địa chỉ thường tổ chức các chương trình âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hàng năm cũng sẽ tổ chức đêm nhạc “Đóa hoa vô thường”. Trong ánh nến tưởng niệm, hơn 20 tình khúc Trịnh về tình yêu, thân phận sẽ đưa người nghe về những miền ký ức, qua các cung bậc cảm xúc...

Trong dịp Festival Huế năm nay, chương trình nhạc Trịnh Công Sơn cũng sẽ được tổ chức, dự kiến vào ngày 9/6.

“Khoác chiếc áo mới” cho nhạc Trịnh

Ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 1/4 năm nay sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt: Ra mắt “Nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn” (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn) tại nhà riêng của nhạc sĩ. Nhóm nghiên cứu có sự tham gia của bà Trịnh Vĩnh Trinh và ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng TS. Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung Trực, em rể nhạc sĩ, nhóm nghiên cứu đã được hình thành sau một thời gian hợp tác giữa gia đình và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam. “Các thành viên của nhóm nghiên cứu là những người trẻ có am hiểu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có khát khao tìm hiểu về nhạc Trịnh Công Sơn và ước ao muốn “khoác chiếc áo mới” cho những tác phẩm bất hủ để “thở hơi thở mới của thời đại”, lan tỏa các giá trị tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đặt gia tài nghệ thuật đồ sộ và giá trị của nhạc Trịnh trong bối cảnh xã hội trước và sau chiến tranh, giải mã những lát cắt về lịch sử, tôn giáo, văn hóa sẽ giúp cho thế hệ trẻ cùng hiểu rõ tại sao “Trịnh Công Sơn là mãi mãi”, ông Trực nói.

 Khởi công xây dựng điểm trường Trịnh Công Sơn tại Nam Đông

Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn về nghiên cứu, Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn có một số thành viên đảm nhiệm việc nghiên cứu để biểu diễn các tác phẩm âm nhạc với một tinh thần mới mẻ, trẻ trung và sáng tạo. Nhóm Nghiên cứu Trịnh Công Sơn sẽ biểu diễn nhạc Trịnh cho người trẻ trong những thông điệp mới để lan tỏa tình yêu thương, lòng biết ơn, bao dung.

Trong buổi ra mắt, bên cạnh việc thông tin về sứ mệnh, mục đích, giá trị và các hoạt động của Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn, các thành viên nhóm sẽ ra mắt và cùng đàn, hát một số tác phẩm của nhạc sĩ cùng sự tham gia của một số ca sĩ, nghệ sĩ.

Trong các hoạt động của Nhóm Nghiên cứu Trịnh Công Sơn dự kiến thực hiện trong 2 năm 2024 – 2025, đáng chú ý là việc dịch thuật và ấn hành công trình khảo cứu Trịnh Công Sơn & Bob Dylan của GS. John C. Schafer dài hơn 640 trang vừa được xuất bản cuối năm 2023. Ông Trực cho biết, GS. John C. Schafer đã đồng ý với đề nghị của gia đình Trịnh Công Sơn cho sinh viên tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam dịch quyển sách này ra tiếng Việt và TS. Nguyễn Nam sẽ biên soạn phiên bản cuối để phát hành.

Xây trường Trịnh Công Sơn

Năm nay, thay vì tổ chức các chương trình âm nhạc lớn, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ khác, như xây trường, làm từ thiện, phát triển Quỹ học bổng Trịnh Công Sơn. Gia đình nhạc sĩ đã hoàn tất chương trình mang áo ấm cho các em miền núi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang và Sơn La.

Theo ông Nguyễn Trung Trực, lúc còn sống, Trịnh Công Sơn là một nhà giáo. Ông luôn đau đáu tới phát triển văn hóa và giáo dục. Thời gian qua, Quỹ Trịnh Công Sơn và gia đình đã làm việc với các đơn vị tài trợ để xây dựng các điểm trường cho bà con đồng bào dân tộc ở xã Thượng Long (huyện Nam Đông), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), B'Lao (Lâm Đồng). Huế là quê hương của nhạc sĩ, Buôn Ma Thuột là nơi nhạc sĩ chào đời, B'Lao là nơi nhạc sĩ từng dạy học.

 Điểm trường Trịnh Công Sơn tại Nam Đông sắp được khánh thành

Tại xã Thượng Long, huyện Nam Đông sẽ có một công trình mang dấu ấn của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: Điểm trường Trịnh Công Sơn thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Nam Đông. Đây là công trình do Quỹ Trịnh Công Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Vngroup tài trợ. Với tổng giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng, công trình xây dựng mới 250m2 gồm 3 phòng học, 1 phòng giáo viên, 1 hành lang có mái che, khu nhà vệ sinh và 250m2 sân bê tông. Công trình do kiến trúc sư Nguyễn Gia Phong thiết kế.

Điểm trường của Trung tâm GDNN-GDTX Nam Đông tại xã Thượng Long vốn là Trường mầm non xã Thượng Long, được xây dựng cách đây hơn 23 năm. Từ năm học 2021–2022, UBND huyện Nam Đông đã giao cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện sử dụng để giảng dạy các lớp GDTX cấp trung học phổ thông và dạy nghề cho học viên ở xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu... Thời gian qua, dù đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp nhưng các phòng học vẫn chưa đảm bảo yêu cầu dạy và học, trang thiết bị dạy học thường xuyên bị hư hỏng do ẩm thấp vào mùa mưa.

Vì vậy, dự án xây trường đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển giáo dục của huyện Nam Đông. Ngôi trường xây xong sẽ là một điểm trường của Trung tâm GDNN-GDTX Nam Đông và là trung tâm học tập cộng đồng của Nhân dân xã Thượng Long và các xã lân cận. Đây sẽ là nơi học tập của học sinh vừa học chương trình GDTX vừa học trung cấp nghề, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các lớp xóa mù chữ vào ban đêm. Điểm trường Trịnh Công Sơn tại Nam Đông đang trong giai đoạn hoàn tất, dự kiến khánh thành vào ngày 18/4.

Được biết, gia đình nhạc sĩ dự định sẽ xây dựng Bảo tàng Trịnh Công Sơn tại Huế với diện tích 15.000m2.

MINH HIỀN