Một góc chùa Tra Am |
Ngôi chùa mờ mờ trong ký ức đứa trẻ 7 tuổi năm nào là những nếp nhà giản dị với những vườn tược hiền lành đầy cây cối, hoa, và rau cỏ. Nhà bếp lợp bằng tranh. Từ vườn chùa băng tới chỗ bà tôi nằm chỉ vài chục mét, lưa thưa những bảo tháp cổ bên những gốc cây già. Con suối chảy trước mặt chùa bắt đầu từ đâu không biết, nước trong veo nhìn thấy rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội.
Sau đó vào những dịp giỗ bà, tôi lại được theo bố tôi lên chùa, đó là những ngày mùa đông rét mướt chuẩn bị đón Tết. Sân chùa có rất nhiều cây hải đường, thường bung nở những đóa hoa màu hồng rất đẹp. Loài hoa được người đời gắn cho cái tên “hữu sắc vô hương”, nhưng lại đặc biệt ấn tượng đối với tôi bởi sự rực rỡ thầm kín của nó. Vào mùa hè, thỉnh thoảng tôi lại được theo dì tôi lên đây trong các buổi học ngoại khóa của học sinh chuyên văn trường Quốc Học. Nô đùa và tham gia các hoạt động vui vẻ với các anh chị xong, tôi thường dắt đứa em nhỏ cùng lang thang đi nhặt những trái bứa, trái thị vàng ươm trên sân chùa. Bẵng đi một thời gian, bao nhiêu tất bật của cuộc sống, và bởi con đường dẫn đến chỗ bà tôi nằm đã chuyển hướng, nên tôi đã tạm quên Tra Am.
Cho đến một ngày hè, hữu duyên lại kéo chân tôi đến chùa. Mùi thị thơm nức với những trái vàng lăn lóc ở sân đánh thức những hoài niệm tuổi thơ. Nhưng ngôi chùa xưa đã có nhiều đổi khác. Những mái nhà tranh được thay bằng ngói. Chánh điện rộng lớn hơn với những hàng cột gỗ thẳng tắp và mái ngói thâm u, hình như cũng vừa mới được trùng tu cách đây không lâu. Không còn thấy bóng dáng những cây hải đường năm nào, nhưng thay vào đó là những vườn lan đủ sắc màu, khiến cho cảnh sắc ngôi chùa vui tươi hơn. Trong sân chùa cũng đã có thêm một vài bảo tháp mới. Hàng cây cổ thụ vẫn còn nguyên che rợp cả một góc sân rộng. Những cây khế lúc lỉu quả. Dưới những rặng cây xanh mát, con suối vẫn róc rách chảy bao quanh chùa.
Được sư thầy ở chùa giới thiệu, tôi mới được biết ngôi chùa Tra Am có nguồn gốc thật đặc biệt. Vị sư khai sơn ra chùa có tên là Viên Thành. Ngài là hậu duệ đời thứ 5 của vua Gia Long. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, là công tử dòng dõi hoàng tộc nhưng cuộc sống nghèo khó không khác gì dân thường. Năm 17 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Balamat ở làng Tây Thượng, huyện Phú Vang, trở thành đệ tử của ngài Viên Giác đại sư. Ngài Viên Giác có thế danh là Nguyễn Khoa Luận, thuộc dòng dõi họ Nguyễn Khoa - một danh gia vọng tộc của đất Cố đô. Đại sư cũng từng làm quan ở nhiều chức vụ, đến 50 tuổi, vì buồn thế sự, đã xuống tóc xuất gia, kiến lập ngôi chùa Balamat, hiện nay ở cuối đường Nguyễn Sinh Cung, gần cầu chợ Dinh.
Thầy trò thương nhau như ruột thịt. Chẳng may đại sư mất sớm vào năm 1900. Một năm sau, đệ tử Viên Thành đỗ đầu trong kỳ thi Sadi tại Phú Yên, rồi trở thành một bậc chân tu đắc đạo. Tiếp quản chùa Balamat một thời gian, thiền sư Viên Thành tìm đến chân núi Ngũ Phong dựng một thảo am gần tháp mộ của bổn sư để tu tập, đặt tên chốn này là Tra Am. Tại đây, ngài sống một cuộc đời tu hành kham khổ, trong sạch. Là một vị tu hành nổi tiếng của chốn thiền môn về cả tài năng lẫn đức hạnh, nhưng thiền sư Viên Thành cũng sớm viên tịch vào năm 1928, tức là chỉ 5 năm sau khi ngài lập chùa Tra Am. Năm đó ngài chỉ mới 49 tuổi. Bảo tháp của ngài nằm ngay trong vườn chùa, là một ngôi bảo tháp đặc biệt, được bao quanh bởi rất nhiều bài thơ hay của ngài và nhiều bạn thơ tài hoa.
Chùa Tra Am đến nay đã có 4 đời trú trì kế tiếp kể từ sau thiền sư Viên Thành. Ngôi chùa nay vững vàng và đẹp hơn trước rất nhiều, mang đậm phong cách chùa Huế: thanh tịnh, u nhã, rợp bóng cây xanh. Cây cầu Lược ước vẫn bắc qua khe suối, dù chùa đã làm một chiếc cầu khác rộng hơn, nhưng cũng chỉ đủ cho xe máy và xe đạp, mỗi lượt chỉ đủ cho một chiếc chạy qua.
Tôi được thầy trú trì dẫn đi thăm mộ của đại sư Viên Giác, nằm sau chùa. Tháp mộ đại sư ẩn mình cô tịch dưới những tán lá thông, trong khuôn viên nghĩa trang rộng lớn của dòng họ Nguyễn Khoa danh giá. Xa xa, tiếng chuông, tiếng tụng kinh thời công phu chiều của chùa Tra Am vang vọng, thoang thoảng trong gió, lúc xa lúc gần, rì rào cùng với tiếng lá thông. Ngày xưa, người đệ tử đắc pháp và duy nhất của ngài, thiền sư Viên Thành, vẫn thường xuyên ra đây kinh kệ cùng bổn sư sớm hôm, dù âm dương cách biệt. Thầy trú trì còn cho tôi biết rằng, nhờ mối nhân duyên này mà ngày nay, chùa Tra Am và chùa Balamat tuy hai mà một, cùng thờ một tổ sư là ngài Viên Giác, và người đệ tử xuất sắc của ngài là thiền sư Viên Thành. Hàng hậu duệ của hai ngài còn có những bậc cao tăng tài trí xuất chúng của Phật giáo Việt Nam hiện đại, trong đó nổi bật nhất là ngài Thích Trí Thủ, một trong những người có ảnh hưởng sâu đậm nhất của Phật giáo miền Trung và miền Nam những năm trước cũng như sau ngày đất nước giải phóng.