Bìa sách “Một thời mạ Huế”

40 đoản văn trong Một thời Mạ Huế cho bạn đọc chiêm ngưỡng một Huế khác, một Huế mà đền đài, nhà cửa, con người, cỏ hoa, hương vị,… đều được nhìn nhận và cảm nhận qua lăng kính của người con gái Nguyễn Khoa nửa thế kỷ uống nước sông Hương và giờ đây in bóng mình trong Huế qua những dòng chữ thấm đượm ân tình.

Nguyễn Khoa Diệu Hà luôn có cái nhìn, góc nhìn khác về những điều thân thuộc, khiến người đọc nhận ra cái mới mẻ từ trong xưa cũ. Chị mang đến niềm hạnh phúc cho những ai đang sống trên mảnh đất thần kinh khi nhận ra rằng “vua, hoàng hậu, công chúa là có thật, ở ngay trên mảnh đất mà mình đang sống” chứ không phải trong truyện cổ tích (Trái tim phụng hoàng)...

Huế của Nguyễn Khoa Diệu Hà gây ấn tượng bởi buổi dạy bình thơ văn ở ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng: “Cứ ngỡ đến chùa là kinh kệ, là tu hành nên nghe tiếng cười từ lớp học của sư Giới Đức vang lên khi một thầy trẻ bình bài ca dao nói về tình yêu, tôi bỗng thấy tu cũng gần, Phật cũng gần, kinh kệ cũng gần”. Tìm hiểu cách dạy bình thơ, làm thơ ấy, chị phát hiện ở nơi đây đã có người “Vịn câu thơ mà đứng dậy”, từ bỏ quá khứ lỗi lầm để trở về với thiện lương (Đường lên Huyền Không).

Hay, thật thú vị khi Nguyễn Khoa Diệu Hà cho ta biết rằng với người Huế, Tết đến từ ngoài hàng chè tàu trước ngõ. “Khi tiếng kéo “xắp xắp” cắt tỉa hai hàng chè tàu chuẩn bị đón Tết vang lên từ nhiều ngôi nhà vườn Huế, cái mùi như là dịu ngọt, nhẹ thoảng của lá đẫm sương cũng mang một thông điệp báo Tết đang về” (Mùi Tết). 

Bao nhiêu lần tiếng “Mạ” vang lên trong sách là bấy nhiêu lần yêu thương và nhung nhớ dâng đầy. Từ cảm thức “nhớ mạ và những ngày xưa thân ái”, Nguyễn Khoa Diệu Hà khiến ta tiếc nhớ một âm thanh quê kiểng mà trĩu nặng ân tình, đó là tiếng gọi “Mạ” của người Huế. Tiếng gọi “Mạ” đang mất dần trong đời sống cả ở thành phố lẫn thôn quê. Rồi một ngày, tiếng “Mạ” chỉ còn trong sách vở, thơ ca, hò vè xưa; con cái chúng ta sẽ phải tra từ điển mới có thể hiểu nghĩa từ “Mạ”. Buồn, day dứt, cảm thấy có lỗi vì ta không vô can, đọc tản văn Mặn mà tiếng “Mạ” của Nguyễn Khoa Diệu Hà, có lẽ những người con xứ Huế sẽ thầm bật gọi “Mạ ơi!”.

Bàng bạc trong Một thời Mạ Huế là hình bóng, tâm tình, cảm xúc của thiên tính nữ. Tôi, bạn, chị, em, o, mạ, mụ, mệ, bà,… đều là người-nữ-vĩnh-hằng. Hầu như tất cả mọi điều trong tản văn đều được soi chiếu qua tâm tình của người nữ. Vì thế, mỗi cảm nhận và miêu tả của Diệu Hà về cảnh sắc và con người đều tinh tế, sâu sắc, đằm thắm và duyên dáng đến lạ. Tập tản văn Một thời Mạ Huế có đủ “Huế”. Huế từ đất trời, hoa cỏ, ăn uống, may mặc, lễ nghi cúng kiếng đến kiến trúc nhà cửa; cái đã tàn phai và cái đang hồi sinh, cái đã tận tuyệt lẫn cái đang tượng hình...

Lối viết nữ tính, chú trọng đến người phụ nữ và thường lấy họ làm tâm điểm để triển khai chủ đề; kết hợp cảm xúc đầy nữ tính với tư liệu và kinh nghiệm của người làm báo đã vô hình trung chi phối cách cấu tứ, cách kể chuyện, giọng kể chuyện của Nguyễn Khoa Diệu Hà.

Đặc biệt, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà đã chọn góc nhìn từ nội tâm để thổi hồn cho Huế trong toàn cuốn sách. Vì thế, mỗi con chữ đều trĩu nặng tâm tình của tác giả. Và cứ thế, bằng giọng điệu thủ thỉ từ tốn của tâm hồn đa cảm và cái nhìn tinh tế đến da diết - nhìn từ bên trong, Nguyễn Khoa Diệu Hà là tôi, là chị, là em, là o, là nàng, là mạ. Đó chính là “cái tôi” tự sự rất độc đáo của chị. Chính “cái tôi” này đã góp phần làm nên chất Huế cho cuốn sách vốn đã rất Huế này. 

Tất cả là vì Diệu Hà đã “in bóng mình trong Huế” - một Huế trong máu thịt châu thân và máu thịt tâm hồn – như một nhận định trong tập sách Một thời Mạ Huế của chị.

Nguyễn Thị Tịnh Thy