Đập thủy điện Đắk Sôr 2 tại xã Long Sơn ( Đắk Mil, Đắk Nông) đang được vận hành để vừa phát điện, vùa đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN 

Để chủ động ứng phó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã tính toán cân đối cung - cầu điện cho năm 2024 với nhu cầu điện tăng ở mức gần 9% so với năm 2023. Tập đoàn này cũng đã đề xuất tích nước sớm hơn mọi năm với các nhà máy thủy điện thuộc lưu vực sông các tỉnh phía Bắc để sớm đạt mực nước dâng bình thường và lập lịch huy động cao từ nguồn nhiệt điện than ngay từ đầu năm để điều tiết, giữ mức nước hồ ở mức cao.

Bài học thiếu điện

Các nhà máy thủy điện đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, ngoài việc sản xuất điện năng, còn tích cực tham gia chống lũ, cung cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt. Tổng công suất nguồn thủy điện tính đến cuối năm 2023 là 23.595 MW.

Dung tích chống lũ của các hồ thủy điện của cả nước đạt 15,8 tỷ m3; trong đó, phía Bắc là 15 tỷ m3. Với vai trò đó, các hồ chứa, đặc biệt khu vực phía Bắc được yêu cầu tích nước với dung tích hữu ích đa số trên 90% và không nhỏ hơn 70% vào thời điểm tháng 11 hàng năm - đầu mùa khô.

Riêng đối với miền Bắc, nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng 43,6% trong tổng số nguồn điện khu vực. Do vậy, nếu để thiếu nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung ứng điện cho vùng này. Trong khi nguồn điện từ mặt trời và gió tăng mạnh, thì vai trò của thủy điện càng trở nên quan trọng và không thể thay thế trong cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện…

Theo chuyên gia TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, lượng nước trong hồ thủy điện tích không đủ vào cuối mùa khô xuất phát từ việc biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt, nước về thấp trong khi nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), năm 2023, tổng lượng nước được tích trong hồ đạt 12,96 tỷ kWh, thiếu hụt 2,1 tỷ kWh so với mức nước dâng bình thường.

Tích nước thiếu kết hợp với hạn hán, nhưng các nhà máy thủy điện vẫn phải huy động tối đa công suất do các nhà máy nhiệt điện không đủ nguồn cấp nhiên liệu để vận hành ổn định. Mặt khác, một loạt các dự án nguồn điện than mới ở miền Bắc chậm trễ so với quy hoạch như: Na Dương 2, Nam Định 1, An Khánh - Bắc Giang, Vũng Áng 2, Quảng Trạch 1, Đức Giang và Công Thanh), hoặc bị loại bỏ (như Quỳnh Lập 1) là nguyên nhân chính của việc thiếu điện tại miền Bắc trong mùa hè năm 2023.

Sử dụng nguồn nước ra sao?

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, thuộc địa phận huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN 

Theo báo cáo từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trong tuần thứ 11 năm 2024 (từ ngày 11/3 đến 17/3), nước về các hồ thủy điện trên cả nước vẫn thấp so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước chỉ đạt khoảng 25 – 96% trung bình nhiều năm. Miền Trung có 19/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, các hồ còn lại đều có lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 29-70%. 

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, việc vận hành các nhà máy thủy điện một cách tối ưu, tiết kiệm nước trong mùa khô và giảm xả nước thừa quá nhiều trong mùa lũ, cung cấp điện ổn định cho hệ thống và cung cấp nước cho hạ du là bài toán giữa an ninh năng lượng và cân bằng nguồn nước.

TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, để đảm bảo vận hành các nhà máy thủy điện ổn định, cần nghiên cứu các giải pháp điều tiết phân phối, sử dụng nước hợp lý và nâng cao năng lực dự báo nguồn nước năm 2024 và các năm tới. Với việc lượng nước về các hồ thủy điện trong nửa đầu năm nay thiếu hụt, ngoài nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần thiết phải áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng hiệu quả vận hành các nhà máy thủy điện. Từ đó, nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của thời tiết, bảo đảm việc cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.

Hiện tại, trong vận hành các nhà máy thủy điện, khâu dự báo mưa và dòng chảy đến hồ còn hạn chế, do chưa có đủ điều kiện kỹ thuật dự báo cho từng đơn vị tại lưu vực hồ chứa, nên việc tiết kiệm nước khó thực hiện được. Vì vậy, trong ngắn hạn, cần nhanh chóng áp dụng các giải pháp kỹ thuật tối ưu hóa vận hành để tiết kiệm nước cho các nhà máy thủy điện.

Trong dài hạn, cần nghiên cứu các giải pháp điều tiết phân phối, sử dụng nước hợp lý, linh hoạt với thời tiết cho thủy điện bằng các kế hoạch điều phối theo mùa, hay cả năm, hoặc nhiều năm cho các hồ chứa lớn. Đồng thời, tăng đầu tư cho hệ thống quan trắc hiện đại để liên tục cập nhật được tình hình thủy văn, thời tiết, nguồn nước trên các sông, hồ chứa, hiện trạng khai thác sử dụng nước của các công trình ở thượng nguồn. Điều này giúp phân bổ hợp lý, cân đối giữa nguồn nước để phát điện và cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt.

Theo Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia (đến năm 2030), tổng lượng nước dự báo đạt hơn 940 tỷ m3, tăng khoảng 2% so với hiện tại. Nguồn nước hoàn toàn đủ cung cấp, song các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng các giải pháp phù hợp để tăng cường hiệu quả vận hành các nhà máy thủy điện cũng như cân đối giữa nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và đảm bảo an ninh năng lượng là rất cần thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Theo TTXVN