Các bác sỹ tiến hành cấy ghép thận lợn đã biến đổi gene cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Massachusetts/TTXVN 

Các nhà khoa học cho biết ca cấy ghép và kết quả đáng khích lệ này đại diện cho một thời điểm đáng chú ý trong y học, có thể báo trước về một kỷ nguyên cấy ghép nội tạng giữa các loài.

Hai ca cấy ghép nội tạng trước đó từ lợn biến đổi gen đều thất bại. Cả hai bệnh nhân đều được nhận tim và đều qua đời vài tuần sau đó. Ở một bệnh nhân, có dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đã từ chối cơ quan được cấy ghép - một nguy cơ thường trực.

Nhưng quả thận được ghép cho ông Richard Slayman, 62 tuổi, đang tạo nước tiểu, loại bỏ các chất thải ra khỏi máu, cân bằng chất lỏng trong cơ thể và thực hiện các chức năng quan trọng khác, các bác sĩ của ông Slayman tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho hay.

“Khoảnh khắc này là khoảnh khắc mà tôi đã mong chờ trong nhiều năm… Giờ đây, nó đã thành hiện thực”, ông Slayman phát biểu lúc rời bệnh viện. Ông cho biết ông đã nhận được “sự chăm sóc đặc biệt” và nhấn mạnh “hôm nay đánh dấu một khởi đầu mới không chỉ đối với tôi mà còn đối với những bệnh nhân thận đang chờ ghép tạng".

Theo Tiến sĩ David Klassen, Giám đốc y tế của Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng Mỹ - cơ quan quản lý hệ thống cấy ghép nội tạng của quốc gia, quy trình này mang lại triển vọng cấy ghép dị loài (xenotransplantation), hoặc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người, tiến gần hơn đáng kể với thực tế.

“Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng tôi nghĩ tiềm năng mang lại lợi ích cho một số lượng lớn bệnh nhân sẽ được hiện thực hóa”, Tiến sĩ Klassen lạc quan chia sẻ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Klassen lưu ý rằng hiện vẫn chưa biết liệu cơ thể của ông Slayman cuối cùng có từ chối nội tạng được cấy ghép hay không. Ngoài ra, cũng còn những trở ngại khác: Một ca phẫu thuật thành công sẽ phải được nhân rộng ở nhiều bệnh nhân và được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng trước khi phương pháp cấy ghép xenotransplant trở nên phổ biến rộng rãi.

Cũng theo Tiến sĩ Klassen, nếu những ca cấy ghép này được mở rộng quy mô và tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, thì sẽ có những thách thức “khó khăn” về mặt hậu cần, bắt đầu từ việc đảm bảo nguồn cung cấp đầy đủ nội tạng từ động vật biến đổi gen.

Tất nhiên, chi phí có thể trở thành một trở ngại đáng kể. “Đây có phải là thứ mà chúng ta thực sự có thể cố gắng thực hiện với tư cách là một hệ thống chăm sóc sức khỏe không?... Chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó”, Tiến sĩ Klassen nói.

Việc điều trị bệnh thận vốn đã là một khoản chi phí rất lớn. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, bệnh thận giai đoạn cuối - thời điểm các cơ quan bị suy yếu, ảnh hưởng đến 1% số người thụ hưởng Medicare (một chương trình bảo hiểm y tế quốc gia của Mỹ) nhưng lại chiếm tới 7% tổng chi tiêu của chương trình.

Tuy vậy, tiềm năng y tế của việc cấy ghép nội tạng từ lợn sang người là rất lớn.

Được biết, ông Slayman đã chọn quy trình thử nghiệm vì ông chỉ còn rất ít lựa chọn. Ông ấy gặp khó khăn trong việc chạy thận vì các vấn đề về mạch máu và phải chờ đợi rất lâu để có được một quả thận được hiến tặng.

Quả thận được cấy ghép cho ông Slayman đến từ một con lợn được biến đổi gen bởi công ty công nghệ sinh học eGenesis. Các nhà khoa học của công ty đã loại bỏ ba gen có thể gây đào thải nội tạng, chèn bảy gen của người để tăng cường khả năng tương thích và thực hiện các bước để vô hiệu hóa các retrovirus do lợn mang theo có thể lây nhiễm sang người.

Hiện có hơn 550.000 người Mỹ bị suy thận và cần phải chạy thận, và hơn 100.000 người đang trong danh sách chờ nhận thận ghép từ người hiến tặng.

Ngoài ra, hàng chục triệu người Mỹ mắc bệnh thận mãn tính, có thể dẫn đến suy nội tạng. Người Mỹ da đen, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa có tỷ lệ mắc bệnh thận giai đoạn cuối cao nhất.

Trong khi lọc máu giúp các bệnh nhân thận sống sót thì phương pháp điều trị được nhiều bệnh nhân lựa chọn là ghép thận, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Nhưng chỉ có 25.000 ca ghép thận được thực hiện mỗi năm và hàng nghìn bệnh nhân tử vong hàng năm trong khi chờ đợi nội tạng người vì thiếu người hiến.

Được biết trong nhiều thập kỷ qua, cấy ghép dị loài đã được thảo luận như một giải pháp tiềm năng.

Thực tế, thách thức trong bất kỳ một ca cấy ghép nội tạng nào là hệ thống miễn dịch của con người có khả năng tấn công các mô lạ, gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng cho người nhận. Những bệnh nhân được cấy ghép nội tạng thường phải dùng các loại thuốc nhằm ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch và bảo tồn nội tạng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ NYTimes)