Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại hội nghị |
Thừa Thiên Huế là một trong 10 tỉnh biên giới của tuyến biên giới Việt Nam – Lào, với chiều dài 84 km, có 2 cửa khẩu biên giới đất liền là Hồng Vân – Cô Tai và A Đớt – Tà Vàng.
Thừa Thiên Huế cũng đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nhất là thực hiện chủ trương, thoả thuận của hai Chính phủ Việt - Lào nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt - Lào và với mong muốn đồng hành, hỗ trợ phía Lào tiếp cận, sử dụng hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua các cảng biển Chân Mây, Thuận An và cảng chuyên dụng Điền Lộc.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu đã có tại Thừa Thiên Huế, phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch giữa hai nước gắn với tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; tỉnh cũng có kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49 qua cửa khẩu Hồng Vân/Cô Tài - Salavan, Lào và cho nghiên cứu, sớm đầu tư tuyến đường 71 thông qua hai cặp cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng. Đây là 2 tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển cho các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ Lào đã thực hiện đóng cửa khẩu từ năm 2020 đến tháng 8/2022 nên tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua Lào trong năm 2022 rất hạn chế.
Từ tháng 9/2022, sau khi Chính phủ Lào cho phép mở lại tất cả các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ thì hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu phục hồi.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng 25,29% so với cùng kỳ năm trước (mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện năng, vật liệu xây dựng, vải dệt thoi PP từ vải, máy móc, thiết bị); kim ngạch nhập khẩu tăng 93,4% so với cùng kỳ năm trước (mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là muối tinh, than đá, gỗ, dăm gỗ, cao su tự nhiên).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Thừa Thiên Huế luôn quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu đầu tư, hỗ trợ thủ tục cấp phép, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng… và các thủ tục về thương mại quốc tế.
Thừa Thiên Huế xác định 28 sản phẩm chủ lực thuộc nhóm đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, có 57 sản phẩm OCOP, trong đó, có 35 sản phẩm OCOP 3 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao của 48 doanh nghiệp (DN) tại địa phương. Đây là cơ sở để khuyến khích thu hút các DN, nhà đầu tư, các nhà phân phối, DN xuất khẩu đến từ các địa phương thuộc Lào.
Cùng với các hạ tầng thương mại hiện có, Thừa Thiên Huế cũng đang từng bước phát triển bảo đảm lưu thông phân phối hàng hóa, phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân. Mạng lưới chợ được nâng cấp, cải tạo; hệ thống phân phối hiện đại được các DN lớn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng mới như siêu thị Go, siêu thị Co-op Mart; Trung Tâm thương Mại Aeon Mall Huế, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Huế và hệ thông các siêu thị Vinmarrt+, cùng với chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mi ni, hệ thống máy bán hàng tự động… Hình thành các tuyến phố đi bộ, phố đêm đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan vui chơi đa dạng của người dân địa phương và du khách, góp phần nâng cao bộ mặt văn minh thương mại của tỉnh.
Với mong muốn hỗ trợ một cách tốt nhất các nhà đầu tư, các DN đang hoạt động trong lĩnh vực chuỗi cung ứng vào Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cam kết sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư, các DN về thủ tục hành chính nhanh gọn; tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ người dân, DN tỉnh Savannakhet, các tỉnh, thành phố nước bạn Lào anh em đến học tập, du lịch, khám chữa bệnh, đi lại, kinh doanh một cách thuận lợi nhất vì Việt Nam - Lào: Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh.