Mô hình trồng rau hữu cơ, công nghệ cao ở Phú Lộc |
Gần đây, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) huyện Phú Lộc tổ chức ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhiều mô hình thích ứng với điều kiện tiềm năng, khí hậu, thổ nhưỡng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Nông dân Trần Xuân Sơn ở Hợp tác xã An Nong 1 khẳng định, trước nhu cầu thị trường hiện nay không còn cách nào khác phải thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt năng suất và chất lượng. Ông Sơn đã tham gia mô hình trồng lúa “ba giảm, ba tăng”, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh đã thật sự mang lại hiệu quả trong sản xuất lúa.
Ông Hoàng Phi Cường, Giám đốc TTDVNN huyện Phú Lộc thông tin, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp huyện quan tâm nghiên cứu, đưa nhiều mô hình mới vào sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trước xu thế mới. Các mô hình giống lúa có triển vọng về năng suất, chất lượng, “ba giảm, ba tăng” được đưa vào sản xuất tại các hợp tác xã: An Nong 1, An Nong 2, Đại Thành, Đông Xuân, Bắc Sơn, Thủy An với các giống lúa HG12, Hà Phát 3, HG244… Ứng dụng biện pháp canh tác mới không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng lúa mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Tại Hợp tác xã Mỹ Hải triển khai mô hình trồng lạc hữu cơ từ năm 2019 đến nay với diện tích hơn 7ha, tạo ra nguồn sản phẩm dầu lạc an toàn, chất lượng. Mô hình sản xuất gắn với chế biến dầu lạc đang được nông dân từng bước nhân rộng quy mô. Mặc dù giá dầu lạc hữu cơ ở mức 250 ngàn đồng/lít, cao gấp đôi so với dầu lạc thông thường nhưng vẫn được nhiều người tin dùng, nguồn “cung chưa đáp ứng cầu”.
Mô hình nuôi gà thả vườn |
Trồng rau hữu cơ tuy không mới trên địa bàn tỉnh nhưng với Phú Lộc là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân. Sản phẩm tạo ra đảm bảo an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu hiện nay. Tại xã Vinh Mỹ có gần 30 hộ trồng rau hữu cơ với diện tích gần 3ha các loại rau xà lách, rau dền, mồng tơi, dưa leo, rau gia vị, dưa hấu… Sản lượng rau hữu cơ đạt bình quân 25 tấn/năm, được các doanh nghiệp, công ty tiêu thụ với giá cao gấp 1,5-2 lần so với rau thông thường.
Thông qua các chương trình, dự án, TTDVNN huyện Phú Lộc phối hợp với các địa phương triển khai mô hình trồng bưởi da xanh. Đến nay, diện tích bưởi da xanh trên địa bàn huyện đạt 50ha, đang giai đoạn cho thu hoạch. Qua theo dõi, đánh giá, bưởi da xanh có thể sản xuất, phát triển tốt trên nhiều vùng đất trên địa bàn huyện. Giá sản phẩm hiện nay dao động 30-35 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với các giống bưởi tại địa phương. Cùng với bưởi da xanh, TTDVNN huyện còn nghiên cứu, đưa vào trồng một số giống cam, quýt mới có giá trị kinh tế tại xã Lộc Thủy với diện tích 5ha. Các loại cây trồng đang phát triển tốt và có nhiều triển vọng nhân rộng diện tích tại các địa phương.
Tại các xã Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền, Lộc Tiến còn đưa vào trồng cây măng tây với diện tích gần 1,5ha, là loại cây trồng mới trên địa bàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế của nông dân huyện, TTDVNN huyện Phú Lộc đang tổ chức phối hợp với các doanh nghiệp mở rộng diện tích măng tây gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù bước đầu còn khá khó khăn, nhưng sản phẩm măng tây của Phú Lộc cung ứng thị trường với giá 60-70 ngàn đồng/kg.
Với lợi thế mô hình vườn rộng tại vùng gò đồi, TTDVNN huyện Phú Lộc triển khai mô hình nuôi gà thả vườn có quy mô, bài bản. Từ hiệu quả ban đầu, đến nay trên địa bàn huyện Phú Lộc có 150 hộ nuôi gà thả vườn trên vùng gò đồi với quy mô hàng ngàn con/lứa. Phương thức nuôi gà thả vườn tạo ra sản phẩm thơm ngon, chất lượng, được thị trường ưa chuộng nên dễ tiêu thụ.
Trên địa bàn huyện hiện nay còn có nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi cá chình hoa trong ao đất, nuôi xen ghép tôm, cua, cá, mô hình máy cuộn rơm… Để thực hiện các mô hình có hiệu quả phải kể đến sự quan tâm của TTDVNN của huyện trong ứng dụng công nghệ, bảo vệ thực vật. Đơn vị làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng và tổ chức các biện pháp phòng trừ một cách hiệu quả. Trong đó, phải kể đến việc sử dụng chế phẩm sinh học vào phòng trừ sâu bệnh, góp phần tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn.