Chuyên gia chia sẻ thông tin đến sinh viên Đại học Huế

Hơn 500 sinh viên đến từ các trường đại học thành viên, khoa thuộc Đại học Huế được các chuyên gia đến từ các công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu trong nước chia sẻ thông tin về lĩnh vực bán dẫn.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ vi mạch bán dẫn đang là thực tế ở các nước trên thế giới; trong đó, có Việt Nam. Tốc độ phát triển nhanh chóng cũng đồng nghĩa với việc vấn đề đào tạo nhân lực trở thành một trong những bài toán mang tính quyết định được đặt ra cho ngành vi mạch bán dẫn, thu hút sự quan tâm của xã hội.

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có khoảng hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư và đang có xu hướng tăng lên theo thời gian. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử và lập trình nhúng sẽ giúp nhân lực Việt Nam trở nên có tầm vóc hơn và dần tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.

Hàng năm, Đại học Huế đào tạo gần 300 sinh viên có liên quan đến lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn, như các ngành Kỹ thuật điện – điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Điện tử viễn thông và Cơ điện tử….. Tuy nhiên, chưa có các chương trình đào tạo chuyên sâu cho công nghệ vi mạch và bán dẫn. Nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành công nghiệp này vẫn còn là thách thức cho các đơn vị đào tạo.

Năm 2024, Đại học Huế quyết định mở các chuyên ngành chuyên sâu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch và bán dẫn. Theo đó, sẽ có 2 cơ sở mở ngành và chuyên ngành đào tạo liên quan đến bán dẫn là Công nghệ thiết kế vi mạch tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ và Công nghệ bán dẫn tại Trường đại học Khoa học.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp khẳng định sẽ tích cực hợp tác với các đơn vị thuộc Đại học Huế trong đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này; qua đó, đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn trong nước và thế giới trong thời gian đến.

Tin, ảnh: QUANG SANG