Chiều của một ngày đầu tháng 4, các địa phương, đơn vị gia nhập đoàn công tác tập trung về cảng biển Đà Nẵng thuộc Vùng 3 Hải quân. Các chiến sĩ hải quân đón mọi người với nụ cười trên môi, lời hỏi thăm ân cần, chu đáo. Các thành viên tham gia đoàn cảm nhận rất rõ tình quân dân cá nước, truyền thống từ xưa vẫn còn ấm áp đến bây giờ.

Cán bộ đoàn công tác  Thừa Thiên Huế tham quan Phòng Truyền thống Vùng 3 Hải quân 

Vùng 3 Hải quân và hành trình giữ biển

Phòng Truyền thống của Vùng 3 Hải quân còn lưu giữ những hình ảnh đầy tự hào. Rất nhiều hình ảnh các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân qua các thời kì. Vùng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo suốt chiều dài các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, từ Đèo Ngang - Quảng Bình đến đảo Cù Lao Xanh - Bình Định, các đảo ven bờ Bắc Trung bộ và Quần đảo Hoàng Sa. Một nhiệm vụ khác nữa là đồng thời, Vùng 3 Hải quân luôn sẵn sàng chi viện bảo vệ Quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển trọng điểm hay các nhiệm vụ đột xuất khác khi có lệnh.

Với những thành tích đạt được, Vùng 3 Hải quân có bốn đơn vị được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đó là: Trạm Ra-đa 535 thuộc Trung đoàn 351; Tàu 331 thuộc Lữ đoàn 172; Tàu 851 thuộc Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172. Vùng 3 Hải quân cũng có 17 tập thể được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương các hạng; hàng trăm lượt tập thể, hàng nghìn lượt cá nhân được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trao tặng các phần thưởng cao quý; nhiều cán bộ, sĩ quan trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cấp cao của Quân chủng Hải quân và quân đội.

Đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế nghe phổ biến nhiệm vụ 

Dù giữa cuộc sống thời bình nhưng người lính hải quân luôn đối diện với những năm tháng vô cùng khốc liệt mỗi khi tình hình trên biển diễn biến căng thẳng, đặc biệt là khi nước ngoài có các hoạt động thăm dò, khảo sát vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Giữa trời biển mênh mông sóng gió, nhiều lúc cận kề với những tình huống hiểm nguy, đối mặt giữa sự sống với cái chết, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các đơn vị trực thuộc Vùng thường xuyên bảo đảm công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường tuần tra, trinh sát, nắm chắc tình hình trên biển; xây dựng và luyện tập thành thục các phương án, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân và trực tiếp xử lý các tình huống trên biển theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng.

Như lời đồng chí Phạm Văn Hùng-Chuẩn Đô đốc, nói: “Tình quân dân cá nước là truyền thống quí báu mà đơn vị luôn gìn giữ”. Trong buổi tối giao lưu trước ngày lên đường, các ca sĩ Kiều Oanh, Lan Anh của đoàn Thừa Thiên Huế đã hát tặng các chiến sĩ hải quân những bài lý Huế giàu chất dân ca, và những ca khúc hướng về đảo xa, nơi cả đất nước luôn đau đáu dõi theo.

Chiến sĩ  vùng 3 Hải  quân trong lễ xuất quân của Đoàn công tác số 5 

Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc

Sáng hôm sau, Đoàn công tác số 5 do Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng làm Trưởng đoàn công tác số 5 cùng hơn 200 đại biểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và một số cơ quan, đơn vị đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây, Cô Lin, Đá Thị… thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Hôm trước, tại hội nghị giao nhiệm vụ cho đoàn công tác, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng phát biểu: “Chuyến công tác khởi hành vào ngày mai của đoàn công tác chúng ta, là mang nặng tình yêu của hậu phương nơi đất liền ra với cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân nơi đảo xa”. Lời nói chân tình của người lãnh đạo quân chủng Hải quân khiến mọi người xúc động. Những chuyến tàu từ đất liền nối với đảo xa, chính là những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc. Những chuyến tàu ấy mang hơi ấm, tình cảm nồng thắm, lòng tin yêu của đất liền ra với đồng bào, chiến sĩ giữa biển trời quanh năm sóng vỗ.  

Trên mỗi chuyến tàu nối đất liền và đảo xa, bao giờ cũng có hai thế hệ chiến sĩ. Những người sĩ quan trẻ làm nhiệm vụ huấn luyện, duy trì nền nếp, chế độ trên tàu; còn những người lính thợ lâu năm, hiểu “tính nết” từng con sóng, từng đợt gió mùa, từng khu vực biển… sẽ trực tiếp xử lý các công việc cụ thể.

Lính hải quân có say sóng không? Thiếu tá Nguyễn Văn Nhâm, cán bộ Vùng tăng cường cho tàu KN 390 cười khi chúng tôi hỏi. Có chứ anh, nhất là những chuyến đi vào mùa gió chướng cuối năm. Ai đã đi tàu trên biển vào mùa đông mới hiểu sóng gió kinh khủng đến thế nào. Nhiều khi đang ăn cơm, sóng hất đổ cả mâm xuống sàn tàu. Nhưng lính mà, chúng tôi không thể trốn đi đâu, chạy vào chỗ nào để tránh bị say sóng? Mỗi người lính đều phải rèn luyện thể lực, rèn luyện những môn khó như cầu sóng, đu quay, vòng quay trụ... để rèn luyện tiền đình, tăng khả năng chịu sóng gió. Nhưng trên hết, đó chính là rèn luyện bản lĩnh, ý chí của người lính Hải quân, luôn khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Nhưng có những khi sóng quá lớn, tàu đang hành trình trong bão, lãnh đạo sẽ yêu cầu những ai có khả năng chịu được sóng gió, phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ, lên đi ca thay cho các đồng chí đang say sóng. Sau một hồi chuông, nhiều chiến sĩ đã lên bong tàu nhận nhiệm vụ, đưa tàu vượt qua bão tố.

Đã có hàng trăm chuyến tàu được Vùng 3 Hải quân tổ chức đưa các đoàn công tác từ đất liền ra đảo xa và Nhà giàn DK1. Lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ hải quân đã khiến cho đất liền và đảo xa như gần lại, qua những chuyến tàu nặng tình đất  nước.

 

Do đường truyền từ biển đảo về gặp trục trặc nên tuyến bài nhiều kỳ “Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa” của tác giả Hoàng Đăng Khoa - Hồ Đăng Thanh Ngọc các kỳ  tiếp theo tạm thời gián đoạn. Chúng tôi sẽ đăng tải ở số báo sau. Xin trân trọng cáo lỗi và kính mong bạn đọc thông cảm!

Ban Biên tập Báo Thừa Thiên Huế

Hoàng Đăng Khoa – Hồ Đăng Thanh Ngọc