Chương trình khai màn tuần lễ Festival Huế 2022. Ảnh: HỮU PHÚC |
Thành phố đặc thù
Trước đó, năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Bộ Chính trị tán thành phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2020 xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc, có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, có đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X, Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Những việc làm thiết thực
Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27/4/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Ngày 25/6/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị công bố, bàn giao và triển khai thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, sắp xếp 9 phường thuộc TP. Huế như sau: thành lập phường Gia Hội trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp. Nhập toàn diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Thuận Lộc. Thành lập phường Đông Ba trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành. Điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thủy Vân và xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); của phường Hương Hồ, Hương An, xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh và xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) vào thành phố Huế; của xã Phú Thượng, xã Phú Dương, xã Phú Mậu, xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) vào TP. Huế. Thành lập 4 phường thuộc thành phố Huế gồm: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và Thuận. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP. Huế có 265,99km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã.
Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.Thừa Thiên Huế sẽ có 3 trung tâm đô thị. Đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà. Trong đó quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Đô thị vùng tây bắc là thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới. Đô thị vùng đông nam là huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông.
Ngày 26/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh. Theo đó, chia thành phố Huế hiện hữu để thành lập 2 quận: quận Phú Xuân (quận phía bắc) và quận Thuận Hóa (quận phía nam); thành lập quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Cùng với đó là ý kiến về thành lập và tên gọi của thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ vùng đô thị hiện đại là thị xã Huế nằm ven đô bờ sông Hương đến thành phố Huế trực thuộc Trung ương bao gồm toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là một hành trình kéo dài hơn một thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, thành phố từng bước được quy hoạch mở rộng, điều chỉnh mô hình để phù hợp. Đó là sự phát triển mang tính quy luật và khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng đất và của cả đất nước.