Tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 dự kiến ở mức 4,5% trong năm nay. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo AMRO, sự cải thiện này là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế ASEAN. Trong đó, ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,8% vào năm 2024, so với 4,2% trong năm 2023. Sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy ở Đông Nam Á được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong xuất khẩu hàng hóa, nhu cầu nội địa vững chắc, cũng như du lịch trở lại mức trước đại dịch.

“Môi trường hoạt động làm nền tảng cho triển vọng của khu vực vào năm 2024 và năm 2025 dự kiến sẽ tốt hơn, khi các cú sốc khác nhau ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong vài năm qua bắt đầu giảm bớt”, tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô này lưu ý.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN được dự báo sẽ ổn định vào năm 2025, tăng trưởng ở mức 4,9%. Trong khi đó, tăng trưởng chung của khu vực ASEAN+3 sẽ ở mức vừa phải vào năm 2025, ở mức 4,2%, thấp hơn một chút so với năm nay.

Mặc dù vậy, ASEAN+3 sẽ tiếp tục là “một động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu”, đóng góp khoảng 45%, so với mức trung bình trước đại dịch là 44,5%.

Đặc biệt trong ASEAN, 6 nền kinh tế lớn của khu vực sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng. Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được dự báo sẽ đóng góp trung bình 10% vào tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2030.

Ngoài ra, AMRO kỳ vọng tốc độ tăng trưởng ở Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar cũng sẽ dần tăng lên, mở rộng hơn 5% mỗi năm. Đơn vị này cho biết thêm, những nền kinh tế này sẵn sàng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu vào cuối thập kỷ tới.

Về lạm phát, AMRO cho rằng, lạm phát chung trong khu vực được dự báo sẽ có xu hướng giảm. Ngoại trừ Lào và Myanmar, nơi lạm phát chủ yếu do đồng tiền mất giá liên tục, lạm phát của ASEAN+3 trong năm 2024 được ước tính ở mức 2,5%, giảm từ mức 2,8% hồi năm 2023. Lạm phát được dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,3% vào năm 2025.

Lạm phát thấp phần lớn xảy ra song song với sự ổn định liên tục của giá cả hàng hóa toàn cầu, mặc dù có thể vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn ở một số nền kinh tế khu vực do nhu cầu trong nước mạnh mẽ gây áp lực tăng lên giá cả.

Qua đó, AMRO lưu ý, triển vọng tăng trưởng tích cực hiện tại của ASEAN+3 mang lại cho các nền kinh tế trong khu vực một “cơ hội kịp thời để xây dựng lại không gian chính sách” nhiều nhất có thể; đồng thời kêu gọi các nền kinh tế trong khu vực hợp tác chặt chẽ hơn để ứng phó với 3 xu hướng chính là già hóa dân số, tái cấu trúc thương mại toàn cầu và những thay đổi công nghệ nhanh chóng.

Ông Khor Hoe Ee khẳng định: “Việc phục hồi tăng trưởng đòi hỏi phải tăng cường đầu tư và nắm bắt công nghệ để nâng cao năng suất và khả năng phục hồi, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhỏ hơn. Tăng cường hợp tác khu vực có thể là công cụ để đạt được mục tiêu này”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Business Times)