1. Đã từ dịp cận Tết đến nay, cứ độ 4 – 5 giờ chiều, trẻ con trong thôn Giáp Kiền lại í ới rủ rê nhau ra sân đá bóng. “Sân bóng ấy vốn là khu đất có diện tích khoảng hơn 3000 mét vuông được Ban quản lý của thôn thuê từ UBND xã, rồi dằm lại đất, trồng cỏ, cắm cột gôn để làm sân chơi cho các cháu. Từ ngày có sân bóng, không khí trong thôn cũng rộn ràng hẳn. Các cháu chơi bóng, các anh, các chú, các bác đứng ở ngoài hò reo, cổ vũ. Nhờ thế, nhiều gia đình phát hiện ra tài năng sân cỏ của con mình”, anh Hồ Đăng Lào phấn khởi.
Giải bóng đá thôn Giáp Kiền diễn ra sôi nổi |
Theo ông Hồ Công Hiến, Trưởng thôn Giáp Kiền, ông nhiều lần nghe các cháu nhỏ trong thôn, cũng như các thanh niên bày tỏ về việc thiếu sân chơi, thiếu địa điểm để rèn luyện sức khỏe, nên đã bàn với Ban quản lý thôn và xin ý kiến từ lãnh đạo xã để xây dựng lại sân bóng. “Sau những giờ lao động, học tập, các cháu thanh, thiếu niên cũng như các anh em công nhân, các chị em trong thôn giờ đây có nơi để rèn luyện sức khỏe, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tinh thần thể thao cũng từ đó đã được nâng lên”, ông Hiến chia sẻ. Ông cũng cho biết, Ban quản lý thôn đang kêu gọi ủng hộ để xây dựng sân bóng đá, kết hợp thêm sân bóng chuyền, cầu lông, lắp đèn chiếu sáng, các dụng cụ thể dục để phục vụ tinh thần thể dục thể thao của bà con thôn xóm.
2. Những ngày đầu tháng 3, thôn Giáp Kiền rộn ràng không khí háo hức. Giải bóng đá nữ thôn Giáp Kiền lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại sân bóng của thôn. Thế là 6 xóm trong thôn mang tâm trạng háo hức, mong chờ. Ngày công bố giải với toàn bà con thôn xóm, ông Hiến cùng một số anh em đi vận động bà con trong thôn ủng hộ kinh phí để chuẩn bị trang phục, nước non cho giải đấu. “Đi từ đầu thôn tới cuối thôn, nhà nào nghe tin cũng ủng hộ chút ít. Các anh chồng nhờ đó cũng vận động các chị em tham gia giải”, anh Lào nói.
Các anh chồng vốn đã là những “huấn luyện viên online” bấy lâu, nay được dịp trổ tài huấn luyện. Do ban ngày mọi người đều vướng bận công việc, nên các đội bóng của các xóm tập luyện vào buổi tối. Từ xóm trên xuống xóm dưới, cánh mày râu thuê đèn chiếu sáng những khoảng sân rộng, những khu đất trống, sân đình… để các chị em luyện tập. Các huấn luyện viên cũng có cho mình sa bàn được làm từ những tấm bảng, những viên nam châm màu, tiện việc chỉ đạo. Không thể không nhắc đến lực lượng “trinh sát viên” của các xóm. Từ xóm 1 về đến xóm 6, các anh truyền tai nhau về tiền đạo “bé Đường” xóm 6, tiền vệ “bé Lép” của xóm 5, hay thủ môn Oanh “bự” xóm 1. “Lúc luyện tập thì dặn dò phải làm theo chiến thuật này chiến thuật nọ chứ các chị em vào sân cứ thấy bóng là đá thôi, còn các anh em thì cũng thi nhau cổ vũ”, anh Hồ Đăng Hải bật cười.
Các chị em phụ nữ cũng hăng hái hưởng ứng tham gia giải. Có chị khi được chồng vận động tham gia thì còn ngại ngùng không dám, đến ngày thi đấu lại hừng hực khí thế muốn được vào sân, làm khán giả đi xem cũng phải bật cười thích thú. Nhiều chị em cũng được dịp “làm nũng” với chồng, bị ngã đau chân, được chồng âu yếm cõng về nhà.
3. Đầu tháng 3 vừa qua, thôn Giáp Kiền dõi theo hành trình của các cô gái U20 nữ Việt Nam tại giải U20 nữ châu Á 2024. Trong đội hình của đội tuyển U20 nữ Việt Nam tại giải này có một người con của thôn Giáp Kiền: hậu vệ mang áo số 4, Hồ Thị Thanh Thảo. Trước giải, trên nhóm facebook của thôn, nhiều dòng tin nhắn, nhiều lời chúc chiến thắng được gửi đến Thảo “cá nục”, biệt danh mà mọi người trong thôn yêu quý gọi cô gái trẻ. Ai nấy đều mong Thảo và đội tuyển U20 nữ Việt Nam thể hiện hết sức mình vì ngôi sao trên ngực áo.
Trận ra quân của đội U20 nữ Việt Nam tại giải gặp U20 nữ Nhật Bản, đương kim vô địch giải đấu, nhà nhà tại thôn Giáp Kiền bật tivi dõi theo từng bước chạy của Thảo, hồi hộp theo từng pha bóng trên sân. Dù U20 nữ Việt Nam nhận thất bại trước đối thủ quá mạnh, nhưng tại thôn Giáp Kiền vẫn đong đầy niềm vui, bởi lần đầu tiên một người con phe Kiền đứng trong hàng ngũ đội tuyển Việt Nam góp mặt tại một giải bóng đá cấp châu lục đã là điều quá đỗi tự hào.