Rừng tràm trên cát có nguy cơ cháy |
Ông Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) cho rằng, nhiều khu rừng keo tràm trên cát nằm cạnh lăng mộ có nhiều nguy cơ dễ cháy rừng. Một vài năm trước đây, nhiều diện tích rừng keo tràm bị bốc cháy, lan rộng, nguyên nhân được xác định do người dân đốt nhang, vàng mã không có sự kiểm soát, chủ quan. Một số vụ cháy có thể bắt nguồn từ việc những thợ xây lăng vứt tàn thuốc bừa bãi.
Nắng nóng trong thời gian qua khiến những cánh rừng tràm trên địa bàn Phong Hải đang ngả sang màu vàng. Lá vàng rụng phủ một lớp dày đặc dưới những tán rừng, chỉ cần bất cẩn khi vứt tàn thuốc, hay đốt nhang, vàng mã thì nguy cơ cháy rừng bất cứ lúc nào. Vụ cháy rừng các năm trước cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này và gây thiệt hại hàng chục ha.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thừa nhận, những năm trước, hoạt động tuần tra, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên cát còn thiếu quan tâm đã để xảy ra một số vụ cháy đáng tiếc. Rút kinh nghiệm từ đó, năm nay, chính quyền địa phương phối hợp với các thôn, các chủ rừng thường xuyên tuyên truyền, quản lý, giám sát và tuần tra để kịp thời ngăn chặn khi có dấu hiệu cháy rừng.
Tại xã Điền Hòa (Phong Điền) từng xảy ra nhiều vụ cháy rừng tràm trong mùa nắng nóng, nguyên nhân được xác định do phát, đốt thực bì thiếu kiểm soát, thiếu giám sát để lây lan sang các cánh rừng khác. Đầu mùa nắng nóng năm nay, xã Điền Hòa cũng nâng mức báo động cháy rừng rất cao. Theo đó, tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó lấy phương châm “phòng là chính”.
Tại vùng rú cát Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền) cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy rừng tràm trên cát với nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu bắt nguồn từ việc người dân bất cẩn khi đốt thực bì, nấu ăn cạnh rừng dẫn đến lửa lây lan gây cháy rừng trên diện rộng. Các địa phương cũng đã phát cảnh báo, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó cháy rừng đến tận từng hộ dân, các chủ rừng. Trong đó, tuần tra rừng để sớm phát hiện, dập tắt kịp thời đám cháy là phương châm ưu tiên hàng đầu của các địa phương.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền, ông Nguyễn Bá Thạo khẳng định, mục tiêu năm nay là hạn chế, ngăn chặn tối đa nguy cơ cháy rừng trên cát ven biển. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua, các ban ngành, người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm nên năm nay, đơn vị tổ chức nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực trong PCCCR. Trong đó, lấy lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt, các ban ngành, người dân phải chủ động, tích cực tham gia PCCCR trên cát.
Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền đã tổ chức tập huấn, diễn tập kỹ năng PCCCR trên cát cho các lực lượng, người dân địa phương; đồng thời trang cấp các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy tại chỗ. Đơn vị cũng đã khảo sát các địa điểm, nhà dân để chủ động, kịp thời sử dụng đấu nối ống dẫn nước phục vụ chữa cháy rừng kịp thời, tại chỗ. Trường hợp có khả năng xảy ra cháy lớn phải huy động xe bồn chứa nước cùng các lực lượng chuyên nghiệp để chữa cháy một cách hiệu quả. Thực tế, các vụ cháy năm trước dù khá bị động nhưng lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương đã dập tắt kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại cho rừng keo tràm trên cát.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động, tích cực PCCCR trên cát của các đơn vị kiểm lâm, người dân địa phương ứng phó những vụ cháy trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên cát rất cao nên các địa phương, đơn vị kiểm lâm sở tại không nên chủ quan, lơ là mà cần chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực, trong đó lấy phương châm “phòng là chính”.