Báo cáo thu, chi ngân sách của phường Xuân Phú được công khai tại bảng niêm yết để mọi người dân được biết |
7/8 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất cả nước
Chỉ số PAPI năm 2023 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công ty Phân tích thời gian thực, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đánh giá và công bố ngày 2/4/2024. Đây là kết quả khảo sát từ 19.536 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ở Thừa Thiên Huế, đánh giá chỉ số PAPI năm 2023 được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp ngẫu nhiên 240 người dân tại 12 thôn, tổ dân phố thuộc 6 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tổng số 46,0414 điểm với 8 chỉ số nội dung (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử), vượt 4 bậc so với năm 2022 vươn lên đứng đầu toàn quốc.
Trong các chỉ số nội dung của PAPI, Thừa Thiên Huế có 7/8 chỉ số nội dung nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất toàn quốc. Trong đó, có 4 nội dung tỉnh đạt điểm số nằm trong top 10 toàn quốc, gồm: “Cung ứng dịch vụ công” đứng vị trí thứ nhất; “Công khai, minh bạch” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đều đứng vị trí thứ 3; “Quản trị môi trường” đứng vị trí thứ 4. Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác cải cách hành chính (CCHC), tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, củng cố niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả |
Với Thừa Thiên Huế, quán quân toàn quốc về chỉ số PAPI năm 2023 là hành trình tìm lại ngôi vị trong suốt một năm qua. Trước đó, năm 2021, Thừa Thiên Huế từng dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI với tổng số điểm 48,059. Đến năm 2022, chỉ số này tụt 4 bậc, xếp thứ 5 toàn quốc.
Quán quân lần 2 là quả ngọt của hành trình quyết tâm tìm lại ngôi vị của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở của Thừa Thiên Huế. Hành trình đó được bắt đầu bằng kế hoạch “Duy trì và nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công năm 2023" được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ký ngay sau chỉ số PAPI 2022 được công bố chưa đầy 2 tháng; kịp thời chỉ ra hạn chế và nghiêm túc thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp khắc phục. Trong đó, tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị ở cơ sở tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện đầy đủ, thực chất phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cùng với đó, kịp thời giải quyết các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Cải cách đồng bộ, hiệu quả thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức, quy trình giải quyết công việc nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí của người dân, tổ chức. Trong tổng số 426.724 hồ sơ TTHC được tiếp nhận trong năm 2023, tỷ lệ giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt tỷ lệ 97,47%.
Là địa phương được chọn ngẫu nhiên để phỏng vấn người dân, bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, TP. Huế cho biết: CCHC được phường thực hiện hàng ngày, mỗi cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa đều thấm nhuần tư tưởng phục vụ công dân, luôn linh hoạt, tìm giải pháp đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng. “Ngoài niêm yết công khai báo cáo thu, chi ngân sách, quy hoạch các dự án trên địa bàn phường, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường, chúng tôi còn thông báo cho người dân thông qua các đợt họp tổ dân phố, ngày đại đoàn kết… để người dân dễ dàng tiếp cận”, bà Hương cho biết thêm.
Hành trình không có điểm dừng
Xác định đổi mới, cải cách là việc làm hàng ngày và lâu dài, chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc, và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Vì vậy, sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách, tỉnh luôn tổ chức ngay các cuộc họp bàn, hội nghị để phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những năm tiếp theo.
Dù vinh dự 2 năm đứng đầu cả nước, nhưng vẫn còn đó những vấn đề cần tập trung thực hiện. Đặc biệt, chỉ số nội dung số quản trị điện tử chỉ đạt 3,3 điểm xếp vị thứ 22 toàn quốc. Điều này cho thấy, chính quyền các cấp cần nỗ lực nhiều hơn để động viên người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tương xứng với tỷ lệ lớn người dân đang sử dụng internet hiện nay.
Ông Trần Minh Long, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nội vụ thông tin: Sau kết quả vừa được công bố này, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh, ban hành kế hoạch duy trì vị thứ PAPI năm 2024; trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện có hiệu quả, đồng bộ 8 nội dung đánh giá của PAPI. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ có biện pháp, giải pháp chỉ đạo, thực hiện cải thiện những tiêu chí, nội dung còn yếu liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý, đặc biệt, đối với cấp xã, phường là cấp trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với người dân
Đối với các nhóm nội dung chỉ số thành phần của PAPI, sở tham mưu tập trung tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công; tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ Nhân dân và thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa của các trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đặc biệt, sớm triển khai rộng rãi cơ chế giải quyết TTHC, không phân biệt địa giới hành chính, đẩy nhanh tiến độ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.