Hố khai thác cát chỉ cách nhà ông Phan Công, ở thôn Thủy Dương vài chục mét, về mùa mưa rất nguy hiểm |
Người dân bức xúc
Trước thực trạng khan hiếm cát làm vật liệu san lấp, thi công QL 1A, UBND tỉnh đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản cát làm vật liệu san lấp ở bãi Trằm, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến cho Công ty CP Vật liệu Xây dựng 368 (có trụ sở ở Hà Nội) khai thác cát để cung cấp cho các dự án. Quá trình khai thác, Công ty CP Vật liệu Xây dựng 368 đã cho xe múc, tàu hút cát… để lại các hố sâu, có hố rộng hàng trăm mét vuông.
Ông Phan Công, ở thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến cho biết khoảng 2 tháng nay, họ không khai thác nữa nhưng cũng không hoàn trả mặt bằng, không có rào chắn”.
Khu vực khai thác cát nằm dọc triền núi, trước đây được người dân trồng tràm, keo… nhằm chống xói lở khi mùa mưa bão đến. Hiện, các hố “tử thần” do khai thác cát đang có tình trạng sạt lở, sụt lún đất, trở thành những cái bẫy chết người khó lường. Anh Dương Quang Đức ở thôn Thủy Dương, lo lắng: “Do vùng khai thác cát nằm sát chân núi và lượng cát này chính là vùng đệm, chống sạt lở từ chân núi và đảm bảo sự an toàn cho các ngôi nhà trong vùng. Sau khi lượng cát này bị lấy đi, khi mưa lũ đến, lượng nước lớn từ trên núi sẽ đổ về, do mất đi lớp cát để thấm hút và tầng đất bị xáo trộn nên việc sạt lở đất là điều khó tránh khỏi”.
Nguy hiểm là thế, nhưng theo ghi nhận của phóng viên không hề có một hàng rào, biển báo nguy hiểm… Anh Đỗ Tý, người dân sống gần khu vực này kể: “Năm ngoái tôi có con nghé sa chân rớt xuống hố chết đuối. Tôi có làm đơn gửi lên xã yêu cầu doanh nghiệp bồi thường, nhưng chẳng thấy gì. Những hố này rất nguy hiểm, nếu chính quyền địa phương không vào cuộc buộc đơn vị khai thác cát hoàn trả mặt bằng sớm thì nguy hiểm chết người là điều khó tránh khỏi. Bởi vì những hố này rất gần nhà dân nhiều trẻ nhỏ”.
Xử lý dứt điểm
Khai thác cát để lại hố "tử thần" gây nguy hiểm cho người dân |
Mỏ cát bãi Trằm được UBND tỉnh cấp phép khai thác ngày 18/6/2015 đến 24/12/2018, với diện tích 3 ha. Trữ lượng 65 nghìn m3, phương án khai thác, xúc, bốc và vận chuyển phục vụ công trình QL 1A. Khu vực khai thác phải cắm biển báo, rào chắn… có người bảo vệ để hướng dẫn người dân khi đến khu vực này. Khi khai thác xong, ngoài kênh mương được quy hoạch làm thoát nước mặt, khu vực còn lại phải hoàn thổ, trồng cây bảo vệ môi trường…
Phê duyệt khai thác là vậy, nhưng đơn vị khai thác vẫn không thực hiện cảnh báo nguy hiểm. Ông Hồ Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định ở khu vực bãi Trằm có trữ lượng cát lớn, đáp ứng nhu cầu cát xây dựng, san lấp trên địa bàn. Qua đó, UBND tỉnh đã cấp phép, cho khai thác. Những phản ánh của người dân UBND xã sẽ cho kiểm tra để xử lý dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Phong, Trưởng phòng Xây dựng và Tài nguyên Môi trường Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cho biết, khi được UBND tỉnh cấp phép đơn vị có kiểm tra nhưng không phát hiện. Trong tuần này, đơn vị sẽ kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu Công ty CP Vật liệu Xây dựng 368 phải có giải pháp an toàn, cắm biển báo, rào chắn… và phải có người trực hướng dẫn. Mỏ cát bãi Trằm được tỉnh phê duyệt cung cấp cho dự án QL 1A, khi dự án này hoàn thành, đơn vị sẽ có tờ trình đề xuất UBND tỉnh cho đóng cửa mỏ. Nếu trữ lượng còn có thể đề xuất UBND tỉnh cho phép cung cấp một số dự án khác trên địa bàn nhưng phải đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Thuận