Khen thưởng các hòa giải viên có thành tích xuất sắc sau 3 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án |
Chú trọng kiện toàn đội ngũ HGV
Theo Chánh án TAND tỉnh Vũ Văn Minh, xác định công tác HGĐTTTA có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai và tạo sự đồng thuận, xây dựng, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, TAND tỉnh chú trọng lựa chọn, kiện toàn đội ngũ HGV là những thẩm phán, thư ký có kinh nghiệm trong tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự.
Đội ngũ HGV là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có uy tín, kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại. Đội ngũ này chủ động nghiên cứu, trao đổi nội dung các vụ việc, từ đó, có những phân tích thấu tình đạt lý, thuyết phục các bên đương sự trong công tác hòa giải. Trong quá trình giải quyết, xét xử các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, các HGV tích cực, kiên trì cùng các đương sự giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua hòa giải và đối thoại trong các khiếu kiện hành chính.
HGV Tôn Thất Cẩm Đoàn (TAND TP. Huế), một người có tỷ lệ hòa giải thành cao cho biết, công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ khó, khi đã đưa các sự việc ra tòa thì các mối quan hệ, tranh chấp đều đang ở mức rất căng thẳng, khó có thể thương lượng được với nhau. Trước khi hòa giải, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ để nắm bản chất, nguyên nhân sự việc và tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, nhân thân của từng đương sự để có thể “đánh đúng, đánh trúng tâm lý” của họ. Cùng với đó, mỗi HGV phải nắm vững những kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải để phân tích cho đương sự thấy rõ quyền và lợi ích, từ đó, đồng ý thỏa thuận, không phải đưa ra xét xử.
Trong quá trình giải quyết, các HGV dành nhiều thời gian kiên trì hòa giải để đương sự hiểu biết các quy định pháp luật liên quan cũng như có thời gian, cơ hội nhìn nhận lại vụ việc. Tại phiên tòa sơ thẩm, các HGV tiếp tục hòa giải, phân tích cái được, cái mất; về mối quan hệ ruột thịt trong gia đình... Bằng những lý lẽ thấu tình, đạt lý, ngay tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự đã thống nhất quan điểm và được tòa án ghi nhận sự tự nguyện phân chia tài sản mà các đương sự đang tranh chấp.
Nâng cao khả năng tiếp cận của người dân
Qua 3 năm, TAND 2 cấp nhận được 10.954 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Trong đó, số lượng đã chuyển sang HGĐTTTA 630 vụ, việc; số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành là 334 (chiếm 53%). Trình tự, thủ tục hòa giải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, sự tự nguyện thỏa thuận và quyền tự quyết của đương sự.
Với TAND 2 cấp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp trong khi biên chế không tăng. Do quy định HGĐTTTA còn khá mới, nên số lượng người dân biết và lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường HGĐTTTA còn hạn chế.
Việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường HGĐTTTA mang lại nhiều lợi ích cho các đương sự như chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải phù hợp. Hòa giải, đối thoại thành sẽ rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, giảm chi phí đi lại, hàn gắn được mối quan hệ thân thích, xóm giềng. Qua đó, góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết bằng phiên tòa xét xử; giảm số lượng vụ việc cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội.
Chánh án TAND tỉnh Vũ Văn Minh chia sẻ: Trước yêu cầu về việc giải quyết các tranh chấp ngày càng gia tăng, TAND tỉnh đề xuất TAND tối cao và HĐND các cấp dành nguồn lực về kinh phí cho hoạt động HGĐTTTA. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ HGV; đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện HGĐTTTA đối với TAND 2 cấp, trọng tâm là số lượng, tỷ lệ, chất lượng các loại vụ việc thực hiện theo Luật HGĐTTTA nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
“Cần xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật HGĐTTTA là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án. Mỗi tập thể TAND 2 cấp và từng HGV cần nghiên cứu, phát huy trách nhiệm của mình trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn HGĐTTTA, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với Luật HGĐTTTA, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới” - ông Vũ Văn Minh nhấn mạnh.