Vietinbank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng |
Lãi suất huy động tiếp tục giảm
Trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4, một số ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động. Có thể điểm qua như, VPBank đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng ở tất cả kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm; với tiền gửi kỳ hạn 2 - 36 tháng lãi suất đồng loạt tăng 0,2 điểm phần trăm so với phiên điều chỉnh trước đó. Eximbank cũng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm cho lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng. SHB thì điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn tăng thêm 0,1- 0,2 điểm phần trăm...
Đa phần các ngân hàng này đều có điểm chung là tập trung điều chỉnh lãi suất huy động trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn. Điều này cũng phần nào cho thấy, việc điều chỉnh lãi suất ở các ngân hàng này sẽ khó trở thành xu hướng chung cho toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian ngắn hạn.
Nhận định này còn được thể hiện rõ hơn khi hầu hết các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại lớn khác vẫn khá kiên định mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm xuống 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn. Cụ thể trong cuối tháng 3 đầu tháng 4, Vietcombank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống 0,1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. VietinBank giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn hạn. BIDV giảm 0,2 điểm phần trăm cho các khoản tiền gửi dưới 9 tháng trong khi các khoản tiền gửi dài hạn hơn vẫn được duy trì như cũ.
Số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, lãi suất huy động bằng Việt Nam đồng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang áp dụng ở mức tối đa 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức tối đa 4%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, dao động trong mức 4%-5,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động trong khoảng 5%/năm đến 6%/năm (bao gồm lãi suất online).
Trong khi, mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, thậm chí tiếp tục đi xuống thì nhiều kênh đầu tư khác đang có tăng trưởng ấn tượng. Có thể điểm tên như thị trường vàng, khi chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,63% so với tháng trước, tăng 9,41% so với tháng 12 năm trước và tăng 23,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, giá vàng tăng 19,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác như bất động sản cũng đã có những dấu hiệu phục hồi. Dù vậy, tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 3 của các tổ chức tín dụng vẫn ước đạt 70,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,35% so với đầu năm. Điều này cho thấy, người dân vẫn chưa thực sự có lòng tin vào các thị trường đầu tư như vàng hay bất động sản, chứng khoán
Tín dụng giảm
Nguồn vốn đổ vào ngân hàng vẫn tăng trưởng, các ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình tín dụng ngắn hạn với lãi suất cho vay chỉ ở ngưỡng dưới 5%-6% tương đương lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng. Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chỉ dao động trong khoảng 5-8,5%/năm đối với ngắn hạn; 6,5%-9%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo công bố lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất của các ngân hàng mới đây, Vietcombank công bố lãi suất bình quân ở mức 6,4%/năm, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,4%/năm. Agribank niêm yết lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 4%/năm, lãi suất thông thường từ 5-7%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay là 1,47%/năm sau khi trừ chi phí. Vietinbank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm, chênh lệch lãi suất là 2,45%/năm. BIDV công bố lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,49%/năm, chênh lệch lãi suất là 3,12%. Với các ngân hàng thương mại khác, mức lãi suất cho vay bình quân này có phần nhỉnh hơn.
Ngoài neo lãi suất cho vay ở mức thấp, nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn rất nhiều lãi suất công bố, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, VietinBank, mới đây đã công bố gói cho vay 300.000 tỷ đồng, lãi suất thấp nhất 5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Vietcombank cũng công khai mức cho vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Dù các ngân hàng đã áp dụng lãi suất khá thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, song khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện vẫn rất thấp. Bằng chứng là tổng dư nợ tín dụng trong quý I trên địa bàn chỉ đạt 77,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,46% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tín dụng ở những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ có bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Chứng tỏ, nguồn vốn tín dụng đang đi đúng theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Cụ thể đến cuối quý I/2024, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 15.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,3% tổng dư nợ tín dụng, tăng 7,09% so với đầu năm; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 5.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,9%, tăng 5,14% so với đầu năm; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 10,32% so với đầu năm.
Theo lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế địa phương, đồng thời hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế.