Các doanh nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ đến từ chính quyền địa phương |
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.
Tại Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I chưa đạt như kỳ vọng, ước đạt 4,28%, đứng thứ 9/12 tỉnh/thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,32%, khu vực dịch vụ tăng 6,03% và khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 0,83%. Tất cả các chỉ số đều thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (6,91%), đặc biệt là khu vực dịch vụ.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân nằm ở các nhóm vấn đề: Ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là sản lượng bia sụt giảm; sản xuất phân phối điện cũng giảm so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống có tăng nhưng rất thấp. Ngoài ra, một số dự án công nghiệp chưa thể vận hành hoặc sản xuất không như kỳ vọng, điển hình như Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế dự kiến năm 2024 sản xuất 1.000 chiếc, nhưng quý I chỉ sản xuất được 70 chiếc; Nhà máy xử lý rác Phú Sơn doanh thu quý I chỉ đạt 20 tỷ đồng…
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, năm 2024 sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế. Bởi, tốc độ tăng trưởng là yếu tố tiên quyết giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu để Chính phủ đánh giá kế hoạch điều hành, quản lý nền kinh tế có đạt được hiệu quả mong muốn hay chưa.
Đối với Thừa Thiên Huế, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 8,5% - 9,5%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu này sẽ là thách thức rất lớn đối với tỉnh trong quý II và 6 tháng cuối năm.
Trước thực tế hiện nay, tỉnh xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP quý II ước đạt 8,64%; 6 tháng đầu năm ước đạt 6,63 - 7,50%, 6 tháng cuối năm ước đạt 10,12 - 11,21%.
Nhằm hiện thực hóa kịch bản này, nhiều giải pháp căn cơ cũng được vạch ra, đáng chú ý là quan tâm đến việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực lớn, có thế mạnh; tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm sớm đi vào hoạt động tạo năng lực mới, đặc biệt là các dự án sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ để sớm triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn được nhà đầu tư, đồng thời tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách… Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Tăng cường công tác giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả…
Để “kéo” tăng trưởng đi lên, hoàn thành chỉ tiêu cuối năm dù không dễ nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm và nỗ lực lớn. Ngoài các giải pháp được “đóng khung” vừa nêu thì có lẽ cần hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng năng lực, đạo đức, trách nhiệm công vụ; thực hiện tốt giải ngân các nguồn vốn; nghiên cứu những nguồn thu mới để tránh bị động… Đồng thời, tận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi như việc nhiều dự án chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức, nhiều sự kiện về du lịch sắp diễn ra sẽ để làm tiền đề, động lực vực dậy các nhóm tăng trưởng thấp.