Các chiến sĩ Hải quân chào con tàu đến với Trường Sa 

“Nghi lễ chào - trân trọng và tin yêu”

8 giờ 5 phút sáng, tàu KN 390 cất 3 hồi còi báo hiệu rời cảng, bắt đầu chuyến hải trình lên đường làm nhiệm vụ. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một nghi lễ chào tiễn đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ đầy xúc động đến vậy.

Trên cầu cảng, các chiến sĩ hải quân sắp hàng chào thủ trưởng và đoàn tàu từ từ rời cầu tàu. Trong khi đó, đáp lại hồi còi chào rời cảng của tàu KN 390, hàng chục tàu khác đã cất còi chào. Tiếng còi tàu hùng vang cả một góc trời. Cùng lúc, chiến sĩ tất cả các tàu có mặt trong cảng đều lên boong tàu xếp hàng nghiêm trang giơ tay chào.

Hàng trăm người trong đoàn công tác chứng kiến cảnh chào ân tình ấy của lính Hải quân, đã không khỏi dâng lên niềm xúc động. Bởi giây phút ấy, chúng ta mới nhận ra rõ hơn về tình đồng chí, tình dân tộc, nghĩa đồng bào hòa chung, hiện diện giữa muôn trùng sóng nước. Những bàn tay vững chãi, nghiêm trang chào như nói rằng: “Đoàn tàu đi ra khơi nối đảo xa với đất liền cho trọn vòng tay Tổ quốc. Xin mọi người hãy yên tâm đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi ở lại, luôn dõi theo chờ ngày đoàn tàu trở về. Nếu cần chúng tôi sẽ đến ngay cạnh bên khi đoàn gặp những bất trắc…”.

Chúng tôi còn nhận ra một dấu hiệu khác của sự ân cần. Có một chiếc thuyền lai dắt khác đi theo tàu, cho đến khi tàu ra cửa biển, các chiến sĩ đứng lại, nghiêm trang trên chiếc thuyền nhỏ, giơ tay chào. Những hình ảnh ấy khiến cho những ai chứng kiến đều cảm thấy quá ấm lòng.

 Chiến sĩ và nhân dân trên đảo chào đón đoàn công tác  

Khi chúng tôi xúc động nói về cảm xúc giây phút chứng kiến cuộc tiễn chào buổi sáng, Trung tá Chu Quang Vinh, Trưởng ban Tuyên huấn Vùng 3 nói: “Đó là văn hóa quân sự của chúng tôi”.

Từ những sẻ chia, đỡ đần cho nhau trong công việc, những lúc gian nan trước sóng cuồng bão tố, cho đến cách chào nhau giữa những người lên đường ra khơi và những người ở lại, mới thấy rằng, tình đồng đội của những người lính Hải quân nói riêng, những người lính Cụ Hồ nói chung, là hết sức cao đẹp, hết sức thiêng liêng.

Ký ức thủy thủ và giọt nước mắt người nghệ sĩ

Phải đi thêm một ngày nữa, tàu mới đến điểm tập kết. Đang tháng ba âm lịch, sóng biển êm dịu. Vì vậy, mọi người có vẻ thảnh thơi trên bàn trà sớm. Trên boong tàu đầy gió, khá đông thủy thủ già và trẻ ngồi quây quần ấm áp. Cựu chiến binh Hải quân, ông Khổng Duy Đỉnh kể chuyện: Năm 1975, ông cùng đồng đội đánh chiếm đảo Sơn Ca.

Nhận nhiệm vụ, ông cùng 50 đồng đội kiếm chiếc thuyền cá của ngư dân. Các chiến sĩ giấu mình dưới khoang thuyền, phía trên boong phủ đầy lưới. Phía trên bầu trời, trực thăng của lực lượng Việt Nam Cộng Hòa quần thảo liên tục. Suốt nhiều tuần, tàu chở các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 471 mới tiếp cận được mục tiêu. Bộ đội Hải quân ập vào bất ngờ khiến lính Việt Nam Cộng Hòa trên đảo không kịp phản ứng, giơ tay đầu hàng. Ngay lập tức, các chiến sĩ xông lên cắm cờ trên đảo. Cùng lúc đó, ngoài khơi xa, tàu quân sự của nước ngoài cũng đang tiến vào muốn chiếm đảo. Nhưng khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã tung bay trong gió, tàu nước ngoài lặng lẽ bỏ đi.

Ông nói: “Đời tôi bây giờ chỉ cần được đến thăm lại đảo Sơn Ca sau gần 50 năm giải phóng, là sẽ toại nguyện hết sức, không còn mong gì nữa”. - “Rồi bác sẽ được đến thôi” - nhiều người trẻ ngồi quanh vui vẻ động viên, ủng hộ ước muốn của người cựu chiến binh già.

 Cựu chiến binh kể chuyện giải phóng Đảo Sơn Ca tháng 4/1975 

Cùng anh em báo chí, văn nghệ sĩ là những thủy thủ giàu kinh nghiệm của quân chủng Hải quân được tăng cường cho đoàn công tác: Trung tá Mai Văn Dũng, Phòng Khí tài điện tử, Cục Kỹ thuật quân chủng Hải quân; Trung tá Nguyễn Quốc Cường, Phòng Vận tải, Cục hậu cần Hải quân; Trung tá Trần Văn Tú, Phó Chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật Vùng 4 Hải quân. Nghe chúng tôi ở Huế, các anh đồng thanh: “Huế đẹp lắm, chúng tôi ai cũng muốn về thăm lại”.

Đời lính biển, mỗi năm được vài ngày phép thì ưu tiên dành cho gia đình, đến thăm Huế là phải chắt chiu thời gian. Trung tá Trần Văn Tú kể: “Nhà tôi ở Nha Trang, lần đi Huế đầu tiên là theo đứa em ra thăm bạn gái ở Huế. Tôi nhớ con sông Hương, sao mà bình yên đến thế”.

Âu thuyền cho tàu ngư dân tránh trú bão và tiếp tế hậu cần nghề cá  

Chúng tôi hỏi về những kỷ niệm của đời lính Hải quân, Trung tá Nguyễn Quốc Cường nói: “Kỷ niệm thì nhiều lắm anh, mỗi chuyến đi là một câu chuyện khác nhau, nhưng không như sóng biển vỗ vào bờ có thể xoá đi làm lại. Những cái gì biển đã in vào trong ký ức, chúng tôi không bao giờ quên. Xác định là đi làm nhiệm vụ, là người lính phải kiên cường, cứng rắn, nhưng nhiều khi gặp đồng bào nơi đảo xa, lòng chúng tôi tự nhiên bồi hồi khôn tả. Nhiều chuyến đi về xong, ngồi nhớ thương đồng bào ghê lắm”. Rồi cũng có những lúc thắt lòng cùng đồng đội. Đó là những khi đang đi công tác trên tàu, nghe tin người thân qua đời, vậy mà không thể quay về chịu tang được. Những lúc đó, những vòng tay ân cần sẻ chia của đồng đội, mới an ủi phần nào nỗi đau của người lính.

Trung tá Mai Văn Dũng kể tiếp về những chuyến đi gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, bão tố, tàu chao dữ dội đến người bản lĩnh nhất cũng phải đứ đừ. Trung tá Trần Văn Tú, người từng được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Thủy thủ viễn dương” kể, có những chuyến công tác của anh và đồng đội diễn ra hơn 45 ngày trên biển, có chuyến dài nhất anh tham gia kéo dài đến 55 ngày. Năm 2015, chuyến đi hợp tác với Hải quân Nhật Bản gặp cơn bão lớn, tàu phải vào neo ở cảng biển Tokyo. Năm đó, đến lượt khí tượng Việt Nam đặt tên các cơn bão, đã cho cơn bão cái tên là “Trà Mi”. Hải quân Nhật Bản nói đùa: “Tên Trà Mi rất hay, là một loài hoa hiền lành, hy vọng cơn bão này sẽ dịu êm”. Vậy mà trong đêm, dẫu tàu của Việt Nam đã chạy đến 80% công suất, vẫn bị bão Trà Mi đẩy đi đến 15km. Thế mới biết là thời tiết biển những ngày bão tố khủng khiếp đến thế nào.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên đảo  

Có những lần đoàn công tác chở hàng trăm người đến thăm Nhà giàn DK1, tàu đã đến nơi nhưng sóng lớn quá, không thể đưa người lên được. Những lúc như vậy, đoàn đành gửi hàng, quà lại cho xuồng lớn của Nhà giàn, chờ biển lặng xuồng sẽ đưa đến sau. Còn các ca sĩ biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn, phải đứng trên tàu hát qua bộ đàm cho các cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1 xem. Nhiều anh chị em diễn viên đã òa khóc vì xúc động, bởi đã đến tận nơi rồi mà vẫn không được biểu diễn phục vụ trực tiếp cho các chiến sĩ.

Trong khi câu chuyện của chúng tôi diễn ra trên boong tàu, dưới boong chính, nhiều người trong đoàn đã tiến hành xếp giấy thành những con hạc trắng. Những con hạc này thể hiện lòng tri ân của đồng bào cả nước dành cho các chiến sĩ đã an nghỉ. Ngàn cánh hạc sẽ được thả xuống nơi các chiến sĩ hải quân đã hy sinh vì Tổ quốc, trong Lễ dâng hương tưởng niệm sẽ diễn ra trong những ngày tới.

(Còn nữa)

HOÀNG ĐĂNG KHOA - HỒ THANH NGỌC