Đăng Khoa (số 10) đoạt danh hiệu Vua phá lưới ở VCK U19 Quốc gia 2024. Ảnh: Hữu Lê |
U19 Huế có quyền tiếc nuối khi dừng chân ở tứ kết sau thất bại đáng tiếc trước U19 LPBank HAGL.
Tuy dừng bước, song nhiều điểm tích cực hiện rõ ở những gương mặt trẻ. HLV đội tuyển U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn đã theo sát giải đấu từ vòng loại các khu vực cho đến vòng chung kết. Đặc biệt vị thuyền trưởng quê Khánh Hòa “ăn dầm nằm dề”, đi đến nhiều địa phương miền Trung nhằm không bỏ sót nhân tài.
Ông có sự quan sát, sàng lọc kỹ càng. HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Đúng là chúng tôi phải đãi cát tìm vàng, cả ê kíp có mặt xuyên suốt vòng chung kết U19 Quốc gia với quan điểm không bỏ sót tài năng, không chú trọng CLB lớn hay nhỏ. Ngay cả những cầu thủ không có đội tham dự VCK chúng tôi cũng quan tâm. Gần 300 cầu thủ của 12 đội đều được quan sát kỹ và ghi chép cẩn thận, để rồi chọn lọc ra số cầu thủ thực sự ưu tú".
Trong số 300 cầu thủ đó, HLV Hoàng Anh Tuấn đã "chấm" 4 cầu thủ của U19 Huế gồm Nguyễn Lương Tuấn Khải, Hoàng Quang Dũng, Nguyễn Đăng Khoa và Đào Quốc Long lên U19 Việt Nam.
Trưởng đoàn CLB bóng đá Huế Trần Quang Sang cho biết: "Đây không phải lần đầu bóng đá Huế có một lúc 4 cầu thủ lên đội tuyển trẻ. Nhưng, đó vẫn là tín hiệu vui với bóng đá Huế. Đó là niềm vui của công tác đào tạo trẻ tỉnh nhà. Trong thời gian vừa qua có những bước tiến bộ, thường xuyên có những cầu thủ vào các đội U quốc gia. Công tác đào tạo có sự thay đổi, từ tuyển chọn đầu vào, sự đầu tư của tỉnh. Các cháu ăn ở tập trung, học hành, tập luyện và thi đấu thường xuyên hơn. Điều đó giúp bóng đá trẻ Huế có sự khởi sắc. Ngoài ra, những trung tâm lớn, doanh nghiệp hoạt động khác và những đội bóng hoạt động bằng ngân sách nhà nước có sự vận hành khác. Ai làm đào tạo cũng mong muốn nhiều cầu thủ vào ĐTQG cũng như các đội U. Nó cho thấy sự hiệu quả của công tác đào tạo trẻ từ ngân sách địa phương".
Quả thật, sự khác biệt lớn nhất ở bóng đá hiện tại chính là vấn đề tài chính. Các trung tâm lớn hay những CLB hoạt động bằng tài chính doanh nghiệp có sự đầu tư lớn về kinh phí hoạt động, tập huấn và thi đấu. Những đội hoạt động bằng ngân sách địa phương phải cân đo, đong, đếm nhằm tiết kiệm chi phí. Như U19 Huế tham dự vòng chung kết ở Bình Dương di chuyển hơn 1.000km bằng xe bus của đội.
Dễ dàng nhận thấy, trong 8 đội lọt vào tứ kết U19 Quốc gia 2024, Huế là đội bóng duy nhất hoạt động theo ngân sách 100% địa phương. PVF, Hà Nội, SLNA, Becamex Bình Dương, Thể Công Viettel, Đông Á Thanh Hóa, LPBank HAGL là những đội có tiềm lực tài chính.
Song, từ những khó khăn đó, toàn đội nỗ lực để chứng minh giá trị, khẳng định tài năng, bản lĩnh của mình. Thực tế, so với các đồng nghiệp đồng trang lứa, U19 Huế có những thuận lợi nhất định.
Họ được thi đấu thường xuyên do có nhiều cầu thủ được đôn lên đội 1 đá hạng Nhất. Hoàng Quang Dũng, Nguyễn Lương Tuấn Khải thường xuyên ra sân mỗi dịp cuối tuần. Ngoài ra, lứa hiện tại cũng được đầu tư để tham dự vòng loại U21 Quốc gia 2024. Điều này giúp các cầu thủ có nhiều cơ hội ra sân thi đấu. Nhẩm tính, nếu tham dự một vòng loại và vòng chung kết của một giải U, các cầu thủ có thể đá ít nhất 10 trận. Cộng thêm 22 vòng ở giải hạng Nhất, một cầu thủ giỏi của U19 Huế có thể đá đến 40 trận trong một năm.