ASEAN hiện đang là điểm đến đầu tư và cơ sở sản xuất hấp dẫn. Ảnh minh họa: Xinhua/Báo Lao động |
Đông Nam Á là khu vực được hưởng lợi lớn từ việc thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện một sự gián đoạn khác hiện đang ở rất gần.
Những căng thẳng gần đây ở Biển Đỏ là một ví dụ. Từ tháng 12/2023 - 1/2024, giá một container từ Việt Nam đến Hamburg (Đức) đã đắt hơn gấp ba lần. Những thay đổi trong hiệu ứng dây chuyền bao gồm thời gian giao hàng dài hơn, chu kỳ vốn lưu động dài hơn và chi phí tài trợ cao hơn.
Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ chỉ là lời nhắc nhở mới nhất rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường mạng lưới chuỗi cung ứng để chống chọi với những cú sốc trong tương lai. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á đang nắm trong mình cơ hội lịch sử để nâng cao tầm quan trọng của khu vực trong giai đoạn toàn cầu mới nhất.
Đại dịch đã bộc lộ những lỗ hổng cố hữu trong các chuỗi cung ứng quốc tế vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Động lực không ngừng để có được chi phí thấp hơn bao giờ hết đã giúp tinh gọn và dàn trải các nhà cung cấp trong mạng lưới hiện nay. Tuy điều này có lợi nhưng lại không cung cấp đủ tính minh bạch và sự linh hoạt để họ đối mặt với những cú sốc.
Không có hàng tồn kho, các nhà máy ngừng hoạt động, các công ty nỗ lực để dành được đơn hàng sau khi các chuyến bay bị hủy bỏ và tàu bị hoãn. Cùng với đó, việc các tài liệu trên giấy không thể phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của hoàn cảnh đã ngăn cản việc giải phóng hàng hóa và đóng băng tài chính thương mại.
Sự phức tạp trong tình hình chính trị ngày nay đã và đang nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được khả năng phục hồi cao hơn trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Một cách được kể đến để đạt được điều này, vốn ASEAN đang làm rất tốt là xây dựng mạng lưới khu vực đa dạng hơn và cân bằng hơn. Đa dạng hóa sản xuất trên các thị trường giúp giảm tác động của bất kỳ sự cố cục bộ nào. Với vai trò trung lập trong các tranh chấp thương mại toàn cầu, ASEAN hiện đang là điểm đến đầu tư và cơ sở sản xuất hấp dẫn.
Theo Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, ASEAN có lượng người tiêu dùng lớn và khu vực này được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
Ngoài ra, khu vực còn nổi bật với nỗ lực hợp lý hóa mạng lưới cung ứng và tìm nguồn cung ứng của nhiều linh kiện quan trọng từ các nước láng giềng, thay vì từ khu vực khác.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đặc biệt mong muốn giảm bớt sự phức tạp. Điều này được thể hiện rõ qua khảo sát của HSBC từ cuối năm 2022, trong đó chỉ ra 2/3 số doanh nghiệp có kế hoạch giảm số lượng công ty trong chuỗi cung ứng, thay vào đó là xây dựng nhiều hơn các mối quan hệ chiến lược với một số lượng nhà cung cấp nhất định.
Các công ty có chuỗi cung ứng ngắn và nhỏ hơn có thể hiểu rõ và lường trước những rủi ro trong mối quan hệ kinh doanh. Đó là lý do vì sao Australia đang đầu tư hàng nghìn tỷ USD để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á, bao gồm tài trợ 1,3 tỷ USD để hỗ trợ thương mại và đầu tư.
Trong một khía cạnh khác đáng quan tâm, số hóa cung cấp nền tảng vững chắc cho các công ty ASEAN nỗ lực nâng cao khả năng phục hồi. ASEAN có một trong những cộng đồng người dùng kỹ thuật số lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ số người sử dụng Internet là hơn 75% trong tổng số 670 triệu dân của khối.
Doanh thu ở Đông Nam Á từ thương mại trực tuyến ghi nhận vào năm 2023 đã vượt 100 tỷ USD, tức tăng gấp 8 lần trong 8 năm. Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia, nền kinh tế kỹ thuật số này dự kiến sẽ đạt giá trị 360 tỷ USD vào năm 2030.
Có thể nói rằng, mạng lưới thanh toán tức thời đang mở rộng của khu vưc đang giúp các doanh nghiệp tránh được sự chậm trễ kéo dài trong việc chuyển tiền xuyên biên giới và giảm rủi ro ngoại hối. Nghiên cứu của HSBC cho thấy hơn 3/4 doanh nghiệp châu Á kỳ vọng sẽ tăng cường số hóa trên chuỗi cung ứng của họ.
Để số hóa có thể hoạt động, cần phải có nỗ lực thống nhất hơn với sự tham gia của các nhóm vận tải và hậu cần, các nhà quản lý chuỗi cung ứng và hàng tồn kho, cũng như các ngân hàng và công ty bảo hiểm, tất cả đều cần phải phối hợp nhịp nhàng với chính phủ và cơ quan quản lý. Các chiến thuật và công nghệ này kết hợp với nhau thế nào sẽ tác động đến tầm quan trọng của ASEAN trong mạng lưới thương mại toàn cầu và quỹ đạo của tăng trưởng kinh tế khu vực.