Những khu vui chơi được làm bằng vật liệu tái chế

Cứ mỗi buổi sáng hàng ngày, ông Nguyễn Viết Đức (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) lại dành một chút thời gian chăm sóc khóm hoa, cây xanh trước nhà. Nhờ đều đặn chăm sóc, những khóm hoa khoe sắc khiến khung cảnh ngôi nhà ông trở nên tươi mát và nổi bật, đồng thời góp phần thay diện mạo cảnh quan khu vực này.

Ông Đức bảo, trước đây, khi chưa trồng hoa, trước hiên nhà chỉ thấy một “màu” bê tông. Vào mùa hè, không gian càng trở nên nóng bức. “Nhà tôi nằm ở dọc Quốc lộ 1A nên phải chứng kiến lưu lượng xe cộ qua lại rất đông, bụi bẩn cũng thường xuyên bay vào nhà. Từ khi trồng hoa trước ngõ với đủ loại không chỉ giúp không gian được xanh mát hơn, mà cùng với các hộ dân khác tạo nên một đoạn đường rực rỡ”.

Ở Thủy phù, không khó để bắt gặp những tuyến đường hoa khắp các đường làng, ngõ xóm. Đặc biệt, việc trồng hoa, cây xanh trước ngõ bây giờ không “phiền” đến sự vận động của các cơ quan chính quyền, mà nhiều hộ dân đã chủ động làm đẹp cảnh quan. Nhiều người còn bài bản lắp đặt ống tưới nước để chăm sóc hoa. Giống như một phong trào, nhà này trồng, nhà kia cũng trồng và dần dần trồng hoa trước ngõ đã trở thành thói quen của mỗi người dân.

Ông Lê Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết, tại địa phương, ngoài các tuyến đường hoa do đoàn viên, thanh niên xây dựng, quản lý, việc trồng hoa trước ngõ được người dân hưởng ứng tích cực.

 Xuống đường dọn vệ sinh vào những ngày cuối tuần đã trở thành nếp sống của người dân

Phong trào Ngày Chủ nhật xanh giờ như là nhịp sống quen thuộc của người dân các địa phương. Trong một sáng Chủ nhật, rảo bước trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Huế) đúng vào dịp người dân phường Đông Ba (TP. Huế) ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường khu dân cư, điểm công cộng. Mỗi người một việc, người cắt tỉa cây, quét rác, nhổ cỏ, người tẩy xóa bảng quảng cáo, rao vặt… Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ tuyến đường trở nên gọn gàng, sạch đẹp, đặc biệt là dọc đôi bờ sông Hương. Bà Nguyễn Thị Thanh - người dân phường Đông Ba chia sẻ: “Từ khi chính quyền địa phương, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các mô hình “tuyến đường hoa”, “tuyến đường an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp”…, người dân đã ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Như nếp sống thường nhật, vào sáng Chủ nhật, không ai bảo ai, chúng tôi lại xuống dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc cây. Những người dân đi tập thể dục buổi sáng thấy vậy cũng chung tay nhặt rác. Đặc biệt, từ việc làm của người lớn, trẻ nhỏ khu phố không còn vứt rác bừa bãi”.

Sống xanh là xu hướng toàn cầu. Những hoạt động được đề cập ở trên chính việc làm đơn giản, thiết thực để giúp cuộc sống trở nên xanh, lành mạnh hơn.

Hiện nay, với nhiều mô hình đang triển khai, trên các nẻo đường chúng ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh chị em phụ nữ gom từng vỏ lon bia đổi những phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn; những bà nội trợ thay vì dùng túi ni lông sử dụng các loại túi thân thiện môi trường để đi chợ; các hộ gia đình ý thức phân loại rác ngay tại nhà; học sinh cũng chung tay tạo nên điểm xanh ở nhà trường hay màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên, thanh niên cùng các việc làm ý nghĩa… Đó là những việc trong rất nhiều việc đã và đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày ở Huế. “Khi đã có không gian sống trong lành, sức khỏe của người dân sẽ được cải thiện, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên. Do vậy, việc chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường là của mỗi người”, bà Thanh nói.

Huế được biết đến là thành phố xanh, nhưng để duy trì danh hiệu ấy cần sự chung tay của người dân. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động toàn dân chung tay bảo vệ môi trường thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng như: Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; các phong trào: “Ngày Chủ nhật xanh - hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”, “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”…

Những phong trào ấy dường như nằm lòng trong mỗi người dân, để bây giờ Huế trở nên sạch hơn, khang trang hơn, xanh hơn. “Tôi rất ấn tượng với cảnh quan ở Huế, đặc biệt là các tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương. Khi rảo bước dọc các tuyến đường này dễ dàng nhận thấy màu xanh của cây, hương sắc của hoa, nhất là những “Ngôi nhà xanh” để người dân, du khách tập kết rác thải tái chế như bìa carton, vỏ lon bia, giấy vụn, chai nhựa... hạn chế xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường. Những thay đổi đó dù có thể là nhỏ, nhưng sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi lớn hơn. Và chính người dân sẽ hưởng lợi từ những sự thay đổi đó”, anh Lê Viết Quốc (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, Phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã được các địa phương triển khai tích cực, đặc biệt là tại TP. Huế. Và, phong trào đang được triển khai theo từng chuyên đề, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Phong trào Ngày Chủ nhật xanh bây giờ không chỉ là dọn rác mà lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến người dân, từ đó hướng đến cuộc sống xanh.

Bài, ảnh: LÊ THỌ