Tuyên truyền cho ngư dân trong quá trình thực hiện tuần tra biển |
Tăng cường tuần tra
Lúc 1 giờ 30 phút ngày 8/7/2023, cách mũi Chân Mây Đông 4,7 hải lý, tàu tuần tra của Hải đội 2 phát hiện tàu cá của ngư dân Bình Định, đang hành nghề lưới kéo khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ của tỉnh. Tàu tuần tra của Hải đội 2 phát tín hiệu dừng phương tiện, tuy nhiên tàu cá có hoạt động vi phạm đã cắt lưới tăng ga bỏ chạy. Tàu tuần tra tổ chức truy đuổi và quay phim. Tàu vi phạm đã thả 2 sợi dây phía sau lái tàu xuống biển (mỗi sợi dài khoảng 300 - 400m) và các loại dây khác, để cho dây quấn vào chân vịt tàu tuần tra, đồng thời điều khiển tàu chạy vòng tròn không cho tàu tuần tra cập mạn.
Các tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép bị bắt rất manh động. Khi bị lực lượng BĐBP phát hiện, kiểm tra thì một số tàu không chấp hành, cố tình bỏ chạy, hoặc chống đối (do sợ mức phạt cao, sợ bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, tước chứng chỉ thuyền trưởng...), sử dụng nhiều thủ đoạn gây nguy hiểm. Mặc dù vậy, BĐBP vẫn kiên quyết không lùi bước, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức trực tiếp bắt giữ, xử lý 6 vụ/8 phương tiện (Đà Nẵng 1 tàu, Bình Định 1 tàu, Quảng Ngãi 3 tàu), tiến hành xác minh, điều tra và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền gần 400 triệu đồng; ngoài ra còn quay phim, ghi hình và lập biên bản phạt cảnh cáo 6 tàu vi phạm.
Bắt tàu giã cào hoạt động trái phép trong đêm |
Tăng cường tuần tra trên biển là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tiếp tục thực hiện kế hoạch ngày 13/4/2020 và công văn ngày 3/11/2023 của UBND tỉnh về tuần tra phòng, chống hoạt động giã cào khai thác thủy sản xâm hại vùng biển ven bờ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai xây dựng kế hoạch, để triển khai đến các cơ quan nghiệp vụ, các đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 Biên phòng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tế trên địa bàn vùng biển đơn vị quản lý, phụ trách, để xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát sát, đúng với tình hình thực tế đảm bảo thực thi có hiệu quả.
Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động 9 đợt/16 phương tiện (tàu, xuồng, ca nô Biên phòng)/134 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát trên vùng biển, vùng đầm phá Tam Giang được phân công quản lý, phụ trách.
Các đồn biên phòng đã phối hợp với lực lượng dân quân, công an các xã, phường, thị trấn ven biển tổ chức tuần tra bờ biển được 614 đợt/3.608 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua tuần tra, kiểm soát đã kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động giã cào trái phép nói riêng và các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới biển nói chung. “Những nỗ lực và kết quả mà lực lượng BĐBP tỉnh đã đạt được nêu trên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn biên giới, vùng biển của tỉnh” - ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá.
Tuyên truyền đi vào chiều sâu
Để phòng, chống hoạt động giã cào trái phép đạt hiệu quả cao và có tính bền vững, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xác định yếu tố phòng ngừa, là rất quan trọng; theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, đặc biệt là ngư dân, chủ tàu cá, được đẩy mạnh. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn ven biển, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh để tuyên truyền cho Nhân dân nắm được tác hại của hoạt động giã cào sai tuyến trên vùng biển ven bờ; vận động các chủ phương tiện viết bản cam kết không hoạt động giã cào sai tuyến, không bao che tiếp tay cho hoạt động giã cào, sẵn sàng thông tin và hỗ trợ phương tiện phối hợp BĐBP bắt giữ, xử lý tàu giã cào hoạt động sai vùng khai thác.
Để tuyên truyền đi vào chiều sâu, lực lượng BĐBP đã “đầu tư” rất nhiều công sức, tâm huyết. Đó là sát cánh, giúp đỡ, hỗ trợ khi người dân, ngư dân gặp hoạn nạn; giúp người dân trong thiên tai; giúp ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn trước bão lũ; giúp sửa chữa những ngôi nhà bị bão tốc mái để người dân sớm ổn định cuộc sống. Khi ngư dân gặp nạn trên biển, BĐBP không quản hiểm nguy, vượt sóng dữ để kịp thời ứng cứu. Điển hình là vụ cứu sống 9 ngư dân Thuận An, đưa về bờ an toàn lúc 1 giờ sáng, đã bồi đắp tình cảm và niềm tin trong lòng dân.
Do đó, người dân khu vực biển; ngư dân đã hưởng ứng khi BĐBP tổ chức tuyên truyền. Tại các trạm kiểm soát biên phòng thuộc những đồn biên phòng tuyến biển, chủ phương tiện nghe theo vận động, viết bản cam kết (mỗi năm viết cam kết 1 lần) không hoạt động giã cào sai tuyến. Những chủ ghe bãi ngang cũng cam kết không sử dụng phương tiện đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đã có hơn 600 chủ tàu, thuyền và ghe bãi ngang viết cam kết; chấp hành nghiêm theo nội dung cam kết.
Nhận thức, ý thức của người dân được nâng cao, tạo sự đồng thuận trong đấu tranh với các hoạt động khai thác hải sản trái phép. Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, ngày càng có nhiều ngư dân tích cực thông tin và sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, phối hợp BĐBP bắt giữ, xử lý tàu giã cào hoạt động sai vùng khai thác. Điển hình, ngư dân Nguyễn Văn Khái được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng kỷ niệm chương vì có nhiều tin báo chính xác; hỗ trợ hiệu quả BĐBP tỉnh trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.